Tư tưởng chống áp đặt của Đại lục gia tăng

TP - Ngày 9-9, cử tri Hong Kong (Trung Quốc) bỏ phiếu bầu cơ quan lập pháp mới, trong đó các ứng cử viên có tư tưởng chống áp đặt của Đại lục có thể chiếm ưu thế, sau khi xảy ra nhiều cuộc biểu tình chống Đại lục vài tuần qua.
Cuộc bỏ phiếu sẽ mở đường cho bầu cử phổ thông ở Hong Kong vào năm 2017. Nguồn: Getty Images.

Cuộc bầu cử diễn ra chỉ một ngày sau khi chính quyền Hong Kong bác bỏ kế hoạch áp dụng bắt buộc các lớp học về lòng yêu nước ở cấp tiểu học và phổ thông do Đại lục đưa ra. Thay vào đó, Hong Kong chỉ coi đó là chương trình học tự chọn.

Lần đầu tiên, 40 trong 70 ghế của hội đồng lập pháp được bầu cử trực tiếp. Kết quả bầu cử sẽ bám theo các kế hoạch nhằm tiến tới thực hiện bầu cử phổ thông, dự kiến được áp dụng từ năm 2017.

Kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố vào hôm nay (10-9). Những vấn đề nổi cộm trong chiến dịch tranh cử là việc làm, tham nhũng và số lượng du khách từ Đại lục ngày càng tăng.

Theo luật pháp hiện hành, 30 trong 70 ghế của hội đồng lập pháp được lựa chọn bởi những nhóm đại cử tri xuất thân từ các nhóm nghề nghiệp và kinh tế.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, các ứng cử viên ủng hộ dân chủ chạy đua vào hội đồng sẽ chiếm được cảm tình hơn.

"Trước đây, tôi không quan tâm nhiều lắm tới việc ai được trúng cử. Nhưng bây giờ, tôi nghĩ tôi cần phải bầu cử để ngăn những người và những đảng phái tôi không thích có thể trở thành thành viên của hội đồng", một cử tri nói.

Một cử tri khác tên là Anthony Tsang nói rằng, ông bầu cho "những người có thể giúp ích nhiều nhất cho chúng tôi. Tôi quan tâm tới sinh kế, giá nhà, lương và hệ thống chăm sóc y tế", ông Tsang nói.

Trước đó, chính quyền Hong Kong chấp nhận kế hoạch đưa vào trường học chương trình giảng dạy về lòng yêu nước và bản sắc dân tộc, nhưng chỉ ở cấp độ tự chọn.

Chương trình do Bắc Kinh khởi xướng với yêu cầu là bắt buộc, gồm nhiều bài học gây nhiều tranh cãi tôn vinh giá trị của Đại lục.

Các nhà phê bình cho rằng, những chương trình học kiểu này được Bắc Kinh thiết kế để thay đổi căn bản suy nghĩ của thế hệ trẻ Hong Kong.

Một khảo sát được thực hiện tuần trước cho thấy 69% học sinh Hong Kong phản đối chương trình học này. Hơn 100.000 người đã tụ tập trước trụ sở của chính quyền Hong Kong để phản đối.

Gia Tùng
Tổng hợp

Theo Báo giấy