'Tử thần' ở các bãi tắm

Rơi vào các Rip (Rip current - dòng nước rút) ở các bãi biển - nạn nhân thường bị nước cuốn ra xa bờ rất nhanh, dù có biết bơi cũng khó thoát khỏi “tử thần”

'Tử thần' ở các bãi tắm

Rơi vào các Rip (Rip current - dòng nước rút) ở các bãi biển - nạn nhân thường bị nước cuốn ra xa bờ rất nhanh, dù có biết bơi cũng khó thoát khỏi “tử thần”

Sau hơn 2 năm nghiên cứu dòng Rip, đến nay, Viện Hải dương học Nha Trang đã khoanh vùng được những điểm “nóng” và đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế tai nạn cho người tắm biển.

Bãi tắm phía Bắc Nha Trang, nơi thường xuất hiện dòng Rip.

Nhiều người thiệt mạng

TS Lê Đình Mầu, Viện phó Viện Hải dương học Nha Trang, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu dòng Rip tại các bãi tắm ở Khánh Hòa, cho biết: Rip là dòng chảy từ bờ hướng ra khơi, xảy ra trong vùng sóng đổ. Vùng này thường ở xa bờ, bị chắn bởi lớp san hô hoặc cát; khi sóng biển ập đến sẽ dồn nước vào một lạch sâu và đổ ra khơi tạo thành luồng nước mạnh gây nguy hiểm cho người tắm biển.

Theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, tính từ tháng 10/2012 đến nay, lực lượng cứu hộ đã cứu 32 trường hợp đuối nước, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Anh Tô Văn Nhiều, trưởng một trạm cứu hộ biển ở TP Nha Trang, cho biết gần đây có nhiều nạn nhân bị nước cuốn hụt chân. Khoảng tháng 10/2012, trong lúc bơi với nhóm bạn, 2 thanh niên bị nước cuốn ra xa.

Phải vất vả lắm đội cứu hộ mới đưa được vào bờ khi cả 2 đã tím tái, sùi bọt mép. Không may mắn như các trường hợp được cứu sống, cuối năm 2011, trung úy Nguyễn Đình Phong, giáo viên Trường Sĩ quan Thông tin Nha Trang, đến tắm tại một bãi biển thuộc phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, bị một dòng Rip cuốn ra xa và thiệt mạng.

Trước đó, năm 2008, 3 sinh viên Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang là Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Thanh Phong và Nguyễn Trung Nhân cũng bị dòng Rip cuốn mất tích.

Theo TS Mầu, dòng Rip có thể xuất hiện ở bất cứ bãi biển nào tại đới sóng đổ bờ. Một đặc điểm dễ nhận biết dòng “tử thần” này là thường xuất hiện cùng một vùng sóng lăn tăn, xung quanh là bọt trắng xóa. Vùng nước này có màu khác biệt với xung quanh. Lúc đó, dải bọt sóng, rong, tảo biển hay rác di chuyển ra xa bờ một cách ổn định. Trong quá trình đổ vào bờ, sóng xuất hiện một khoảng đứt quãng.

Không nên giấu giếm

Theo nghiên cứu của TS Lê Đình Mầu, dòng Rip thường xuất hiện khi biển động, từ tháng 10 đến tháng 4 và mạnh nhất vào 2 tháng cuối năm và tháng đầu năm dương lịch. Ở TP Nha Trang, dòng Rip xuất hiện nhiều tại các bãi tắm phía Bắc, khu vực gần Hòn Chồng... Dòng Rip mạnh nhất, nguy hiểm nhất ở Khánh Hòa là ở Bãi Dài (huyện Cam Lâm, TP Cam Ranh).

TS Mầu cho rằng, những nơi có dòng Rip cần có các biển báo nguy hiểm, biển báo có dòng Rip, xây dựng đài quan sát. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều bãi biển vẫn còn tâm lý giấu giếm vì sợ ảnh hưởng doanh thu.

“Càng giấu thì càng tăng nguy cơ du khách bị đuối nước. Do đó, ngoài tăng cường tuyên truyền để người dân cảnh giác, cần phát triển lực lượng cứu hộ cùng hệ thống biển cảnh báo” - TS Mầu kiến nghị.

Ông Trương Kỉnh, Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, cho biết: Hiện tại, đội cứu hộ của TP có 40 người túc trực ở khoảng 10 km bờ biển. Với phương tiện eo hẹp, chỉ có 3 ca nô; không có đài quan sát, bộ đàm, ống nhòm, ván trượt… khiến việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Anh Tùng, một nhân viên cứu hộ, cho biết: “Mỗi lần cứu hộ, tôi và các đồng nghiệp chỉ dùng sức người là chính nên hết sức nguy hiểm”.

Theo Kỳ Nam
Người Lao Động

Theo Đăng lại