Trong vụ bán độ ở CLB Đồng Nai, có một cầu thủ tên tuổi từng khiến báo giới tốn không ít giấy mực là Phan Lưu Thế Sơn. Tuy nhiên, câu chuyện được nhắc đến nhiều về Thế Sơn lại không phải ở vụ bán độ của Đồng Nai mà từ trước đây 4 năm, khi cầu thủ này khoác áo đội tuyển U19 quốc gia.
Ở trận đấu giữa U19 Việt Nam và U21 Singapore thuộc giải U21 quốc tế, Thế Sơn đã có pha quay người câu bóng từ khoảng cách 40m làm… tung lưới đội nhà. Những phân tích chuyên môn khi đó đều đi đến chung một nhận định, pha “ghi bàn” của Thế Sơn khó có thể xem là một tai nạn.
Tuy nhiên, để đảm bảo thành công của giải đấu, BTC đã bỏ qua sự cố này, và Thế Sơn “thoát nạn”. Người dẫn dắt U19 Việt Nam ở thời điểm trên là HLV Triệu Quang Hà sau này từng thừa nhận đã cho Thế Sơn thêm một cơ hội do tiếc cho tương lai phía trước của cầu thủ này.
May mắn không đến 2 lần. Khi đầu quân cho Đồng Nai và tham gia vào vụ bán độ cùng 5 đồng đội ở trận đấu với Than Quảng Ninh, Thế Sơn đã bị bắt. “Đọc báo thấy tên Thế Sơn, tôi thực sự bất ngờ nhưng ngẫm lại thì chỉ biết thở dài. Nghề nào cũng có mặt trái, bóng đá lại có nhiều cám dỗ, không phải ai cũng vượt qua được” - ông Hà chia sẻ.
Trên thực tế, dù không quy trách nhiệm đối với Thế Sơn ở vụ đầu tiên, nhưng LĐBĐVN (VFF) và những người trong cuộc đủ tỉnh táo để không đặt niềm tin vào anh. Từ một cầu thủ có tiềm năng, được triệu tập vào đội tuyển U19 quốc gia, Thế Sơn đã trượt dài theo con đường tội lỗi, thay vì tập trung phát triển chuyên môn.
“Ăn cắp quen tay”
Trở lại với câu hỏi ở đầu bài viết, đã có rất nhiều ý kiến giải thích nguyên nhân “bán mình” của các cầu thủ. Một tờ báo thể thao khi đặt ra câu hỏi này đối với dư luận và người hâm mộ thì câu trả lời nhận được sự đồng tình cao nhất là: vì tham tiền. Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải lý do duy nhất.
Cầu thủ nghèo bán độ còn có lý nhưng những ngôi sao thu nhập cả nhiều chục triệu đồng/tháng hoặc thừa tiền như trường hợp thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng vì sao vẫn “bán độ”?
Trong một lần trao đổi với Tiền Phong vấn đề này, TGĐ Công ty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh từng cho rằng, xuất phát từ nhận thức kém, nhiều cầu thủ đã dính vào cờ bạc, cá độ. Cho đến khi ngập sâu vào những tệ nạn trên thì bản thân cầu thủ đánh mất cảm giác tội lỗi đối với hành vi vi phạm của mình.
Những cầu thủ trên trở thành đối tượng để các tổ chức cá độ ngoài xã hội mua chuộc, tiến tới kiểm soát và điều khiển. Cho đến khi tham gia bán độ, các cầu thủ đã có một quá trình trượt dài trên con đường tội lỗi, không còn đường lùi.
Nhận định của ông Thanh đúng với nhiều trường hợp cơ quan điều tra phát giác. Các tổ chức cá độ xã hội đen luôn nhạy cảm với những cầu thủ thuộc diện “có tiềm năng”. Bắt đầu là làm quen và sau đấy là rủ rê, mua chuộc. Một kịch bản quen thuộc luôn là khen ngợi khả năng của cầu thủ, và sau đấy, các đối tượng này bắt đầu “thả câu”. Những cám dỗ về tiền bạc, cộng với việc kiếm tiền quá dễ dàng khiến không phải cầu thủ nào cũng đứng vững.
Cầu thủ có biết bán độ là vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp hay không, câu trả lời chắc chắn là có. Biết, nhưng vẫn bất chấp làm. Tự thân môi trường bóng đá Việt Nam, như nhận xét của HLV lão làng Trần Văn Phúc, trong một thời gian dài đã không tạo được tấm khiên để có thể khiến cầu thủ miễn nhiễm với các tệ nạn bên ngoài sân cỏ.