Từ 15/4, gần 1,2 triệu thuê bao có nguy cơ bị khóa hai chiều

TPO - Theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, vẫn còn gần 1,2 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin. Ngày mai (15/4), các nhà mạng sẽ thực hiện khóa hai chiều với các thuê bao này nếu không chuẩn hoá.

Trước đó, ngày 31/3 có 1,67 triệu thuê bao đã bị khóa một chiều do chưa chuẩn hóa thông tin. Tính đến ngày 13/4, theo số liệu của Cục Viễn thông, có 473.000 thuê bao đã mở khóa và chuẩn hóa thông tin. Như vậy, còn gần 1,2 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa và có nguy cơ bị khóa hai chiều từ ngày 15/4.

Theo quy định, sau khi bị khóa hai chiều, đến ngày 15/4, nếu thuê bao vẫn không thực hiện chuẩn hóa thông tin thì nhà mạng sẽ thực hiện thu hồi số.

Đại diện VinaPhone cho biết, tính đến hôm nay (14/4), nhà mạng này có hơn 400.000 thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin. Từ 00h00 ngày 15/4, nhà mạng này sẽ thực hiện khóa hai chiều với thông tin thuê bao.

Sau thời điểm bị khóa 2 chiều, khách hàng sẽ không thể tự thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao qua website/app My VNPT mà phải đến các điểm giao dịch của nhà mạng. Để được hỗ trợ mở khóa thuê bao, xác minh thông tin, khách hàng cần mang theo các giấy tờ tùy thân như CCCD, hộ chiếu… khi đến thực hiện giao dịch.

Đại diện VinaPhone cho biết, các điểm giao dịch của VinaPhone sẽ tăng cường hoạt động, hỗ trợ khách hàng đến 21 giờ ngày 15/5. Các khách hàng chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao cần sớm đến các điểm giao dịch để thực hiện bổ sung, cập nhật trước thời điểm bị khóa 2 chiều vào 15/4 theo quy định.

Đại diện MobiFone cho biết, nhà mạng này sẽ thực hiện khóa hai chiều với các thuê bao chưa chuẩn hóa từ 00h00 ngày 16/4. Sau thời điểm này, khách hàng của MobiFone không thể chuẩn hóa online mà phải đến các điểm giao dịch của nhà mạng để mở khóa và thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước, dịch vụ viễn thông mà còn đảm bảo quyền lợi cho thuê bao di động. Đồng thời, góp phần giảm đáng kể tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo nhức nhối thời gian qua.

Đại diện Viettel cho biết, số điện thoại gắn với rất nhiều tài khoản khác chứa các thông tin cá nhân, nhạy cảm, quan trọng của khách hàng như tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, bảo hiểm. Trường hợp số điện thoại thông tin không chính xác dẫn đến nguy cơ khách hàng bị mất các tài khoản này. Thuê bao sai thông tin cũng sẽ gặp khó khăn trong việc làm tài khoản cấp mã định danh công dân, cấp hộ chiếu, thị thực nếu thông tin thuê bao không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đại diện Viettel khuyên người dùng phải chuẩn hóa thông tin cá nhân để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, hạn chế tình trạng tranh chấp số, đặc biệt với những sim số đẹp, góp phần loại bỏ sim rác, hạn chế tình trạng tin nhắn rác/cuộc gọi rác, tin nhắn/cuộc gọi lừa đảo.

Đại diện nhà mạng VinaPhone cũng chia sẻ, thực tế có những trường hợp dùng sim không chính chủ, khi bị mất sim, không thể báo khóa thuê bao cũng như khôi phục, thậm chí còn bị người khác sử dụng với mục đích xấu. Ngoài ra, việc dùng số thuê bao không chính chủ có thể ảnh hưởng đến quá trình sử dụng các dịch vụ hành chính công, nhất là các dịch vụ yêu cầu thông tin của số điện thoại khai báo phải chính xác và có các thông báo/xác nhận qua số điện thoại di động.