> Bao cao su mới dành cho người đồng tính nam
Tại hội thảo về truyện tranh Nhật Bản ở Hà Nội cuối tuần qua, GS Kazumi Nagaike (ĐH Oita, Nhật Bản), (ảnh) có bài thuyết trình hấp dẫn về chủ đề này. PV trò chuyện với GS.
Vì sao chị chọn đề tài này để thuyết trình?
Tôi nghiên cứu về Yaoi, đặc biệt tập trung vào tâm lý phái nữ khi sáng tác và đọc những câu chuyện tình về đồng tính nam. Tôi để ý đến óc tưởng tượng của họ, vì trong lĩnh vực này phụ nữ không thể trải nghiệm thực tế hết được.
Yaoi gần đây đã được thế giới công nhận là một hiện tượng văn hóa kỳ lạ. Tôi muốn mang kiến thức của mình về thể loại này, cái nhìn thấu suốt về bản chất tâm lý giới tính đến với công chúng Việt Nam, những người quan tâm đến truyện tranh Nhật Bản.
Ở Việt Nam hiện nay vẫn có nhiều người cho rằng truyện tranh là dành cho trẻ con, còn truyện tranh cho người lớn kiểu như Yaoi thì rất khó chấp nhận.
Ở Nhật, truyện tranh có nhiều thể loại, phân chia tùy thuộc đối tượng mà nó hướng đến - giới tính và tuổi tác. Những thể loại như Yaoi chỉ dành cho người đọc trưởng thành.
Trong bài thuyết trình, chị khẳng định truyện tranh Yaoi chủ yếu do nữ giới sáng tác và dành cho độc giả nữ?
Khi sáng tạo ra Yaoi, phụ nữ muốn thay đổi những quan niệm áp đặt cho vẻ đẹp nữ tính- “thoát khỏi nỗi đau của sự bị động trong quan hệ tình dục”, theo nhà nghiên cứu Yukari Fujimoto. Nỗi đau đó được thể hiện qua những nhân vật nam yếu đuối trong tác phẩm của họ.
Mặc dù vậy, Yaoi ban đầu bị coi như một sản phẩm tiêu cực của tâm lý nữ giới bởi tính chất khiêu dâm của một số truyện. Tuy nhiên, tôi tin rằng thể loại này có khả năng lật đổ quan niệm cũ và nhờ có nó, chúng ta có thể thảo luận về giới tính/ tình dục một cách thẳng thắn, hiệu quả.
Họa sĩ truyện tranh Yaoi như Ayano Yamane hay Minami Haruka rất nổi tiếng ở trong và ngoài nước Nhật. Truyền thông và dư luận Nhật nói chung nghĩ sao về họ?
Đó đều là những họa sĩ truyện tranh rất được biết đến tại Nhật. Và như tôi thấy, khái niệm fujoshi - người nữ yêu thích thể loại Yaoi (tiếng Anh là “rotten women”, tiếng Việt nôm na là “gái hư”) - lâu nay được truyền thông Nhật nhắc đến rất nhiều. Truyền thông Nhật, và cả xã hội Nhật nữa, vẫn còn kỳ thị đối với các fujoshi, cả người sáng tác lẫn người đọc, coi họ là những phụ nữ biến thái, thường mơ tưởng đến tình dục đồng giới nam.
Ở Nhật, fudanshi (nam giới hâm mộ Yaoi) lại được dư luận dễ dàng chấp nhận hơn là fujoshi.
Vì sao có sự phân biệt như vậy?
Một phần vì xu hướng tình dục truyền thống của chúng tôi. Đàn ông đã chính thức được công nhận trong các mối quan hệ đồng giới, được gọi là shudo. Sau khi Kitô giáo và các xu hướng văn hóa phương Tây truyền bá vào nước Nhật khoảng cuối thế kỷ 19, đồng tính nam bắt đầu ít dần đi.
Tuy nhiên, xã hội Nhật cũng không yêu thích lắm hình tượng cơ bắp của đàn ông phương Tây. Và nhiều người phương Tây cũng xem phần lớn đàn ông Nhật là gay vì cách cư xử và phong cách thời trang của họ, tất nhiên điều đó không đúng. Trong con mắt người phương Tây, đàn ông Nhật rất nữ tính. Nhưng, phụ nữ Nhật lại tôn trọng điều đó, thậm chí yêu thích. Thế nên người đồng tính nam có sức hấp dẫn nhất định đối với nữ giới ở Nhật. Học giả Mark McLelllan từng viết bài “Đàn ông đồng tính là người tình lý tưởng của phụ nữ Nhật, một nét đặc biệt trong văn hóa đại chúng Nhật”.
Theo chị nam giới tìm kiếm điều gì khi đọc truyện tranh về đồng tính nam?
Đó là vấn đề mà tôi và một nhà phê bình khác là Taimatsu Yoshimoto đang tìm hiểu. Ông chỉ ra rằng vài năm trở lại đây, một lượng lớn độc giả nam đã không ngần ngại tuyên bố mình là độc giả của Yaoi. Động cơ của các fudanshi này cũng thú vị như động cơ của các độc giả nữ vậy: Mong muốn thoát khỏi quan niệm thông thường về nam tính trong xã hội. Điều họ tìm thấy trong Yaoi là hóa ra đàn ông cũng dễ bị tổn thương, cũng yếu đuối. Qua thể loại này, họ muốn tìm thấy sự nổi loạn, tìm thấy những yếu tố khác của nam tính.