Đồng thời người đứng đầu ngành Giáo dục cũng khẳng định “không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này”.
Còn thiếu sót, kẽ hở trong bảo mật
Sáng 31/7, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, thay mặt Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo về tình hình tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và việc xử lý tiêu cực trong khâu chấm thi ở một số địa phương.
Về các vụ việc xảy ra tại Hà Giang, Sơn La vừa qua, ông Nhạ đánh giá đó là những sai phạm rất nghiêm trọng. Bộ đã báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý vụ việc trên tinh thần nghiêm túc, kiên quyết, kịp thời, xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm theo đúng quy chế thi và các quy định pháp luật hiện hành. “Ở đây chúng tôi nói rõ, xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm, nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”, ông phát biểu.
Theo ông Nhạ, Bộ đã nghiêm túc rà soát và nhận thấy một số hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Đó là: Đề thi chưa thật sự phù hợp với yêu cầu của thi THPT, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao; phần mềm chấm trắc nghiệm còn có kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi; công tác thanh kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT đối với các địa phương đã được tăng cường nhưng vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm, phát huy những ưu điểm, đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập. Bộ sẽ tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi phù hợp, đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia. Hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi. Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi, trong đó xem xét chấm tập trung theo các cụm để nâng cao tính trung thực, khách quan trong khâu chấm thi. Quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, trường đại học, cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi; tăng cường vai trò giám sát, thanh, kiểm tra của Bộ GD&ĐT đối với các hội đồng thi.
Bỏ thi tốt nghiệp là trái Luật Giáo dục
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo là một trong 9 nhóm nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 29 đặt ra để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo ông, trước đây, việc thi cử rất nặng nề. Mỗi năm phải tổ chức nhiều kỳ thi, nhiều đợt thi, trong gần 1 tháng, thí sinh phải dự thi 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 đợt thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Học sinh các tỉnh xa phải lên Hà Nội, TPHCM và một số thành phố lớn khác để dự thi rất vất vả, áp lực, tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Ngoài ra, các tiêu cực trong thi cử như ở Đồi Ngô, Phú Xuyên khiến dư luận rất bức xúc.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án đổi mới thi với mục tiêu khắc phục các bất cập nêu trên, bảo đảm trung thực, khách quan, giảm áp lực, giảm chi phí đối với thí sinh, gia đình, xã hội. Khi xây dựng phương án thi, cũng có nhiều tranh luận, góp ý. “Có ý kiến cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp THPT, chỉ tổ chức thi ĐH, CĐ. Tuy nhiên, việc này không thực hiện được vì trái với Luật Giáo dục. Hơn nữa, nếu bỏ thi thì học sinh sẽ không học, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống, kết quả học tập của học sinh sẽ không được quốc tế công nhận. Việc Bộ đứng ra tổ chức thi ĐH, CĐ cũng không được vì vi phạm quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ mà Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã quy định”, ông Nhạ nói.
Theo ông Nhạ, qua thảo luận, cuối cùng, phần lớn các ý kiến thống nhất tổ chức một kỳ thi quốc gia vừa bảo đảm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. Bộ đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý. Phương án này đã kế thừa được những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục những bất cập của các kỳ thi trước đó, bảo đảm tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh, phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới.
Năm tới sẽ tổ chức tốt hơn
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chúng ta đang sửa 2 luật (Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học), vấn đề thi và tuyển sinh cũng được đặt ra. Tuy nhiên, việc bỏ thi THPT quốc gia ở thời điểm này là không nên. Bộ sẽ nghiên cứu thấu đáo, nhưng quan điểm của Bộ là việc bỏ thi THPT quốc gia trong những năm tới là chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, Bộ sẽ cố gắng để kỳ thi này bảo đảm thực chất hơn, đánh giá đúng chất lượng giáo dục của các địa phương. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để kỳ thi THPT quốc gia những năm tới được tổ chức tốt hơn”, ông Nhạ bày tỏ.
Hoan nghênh Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với tư cách là tư lệnh ngành đã nhận trách nhiệm về sai phạm, tiêu cực của kỳ thi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Thường trực Chính phủ và Chính phủ chưa có ý kiến chỉ đạo nào thay đổi lộ trình cải cách thi cử đã đặt ra. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe, tiếp thu để tổ chức kỳ thi THPT chặt chẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới.