Trứng vịt lộn bổ dưỡng đến đâu?

Trứng vịt lộn từ lâu đã được nhiều người đặc biệt là một số nước châu Á không chỉ là món ăn ngon mà nó còn là thuốc bổ quý khi ăn cùng với rau răm và gừng.
Ảnh minh hoạ: Internet

Những công dụng chính của trứng vịt lộn

Một vài nghiên cứu dinh dưỡng hiện đại cho thấy trong một trứng vịt lộn có 182kcal năng lượng, 13,6g protein, 12,4g lipit, 82mg canxi, 212mg phospho, 600mg cholesterol… Ngoài ra, còn có nhiều betacaroten, vitamin A, một số ít sắt, gluxit, vitamin B1 và C.

Tên bài thuốc thường gọi đơn giản là “trứng vịt lộn”, bao gồm 1-2 quả mới luộc còn nóng và phải có gia vị kèm theo là rau răm tươi, gừng tươi thái chỉ và chấm với chút muối rang cho vừa miệng.

Theo Đông y, món trứng vịt lộn ăn cùng gia vị như rau răm, gừng tươi là một bài thuốc, dùng chữa các chứng thiếu máu, suy nhược, còi cọc, đau đầu chóng mặt, yếu sinh lý…

Trong đó trứng vịt lộn có tác dụng tu âm, dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể nhanh tăng trưởng. Rau răm là hỗ trợ có tác dụng sáng mắt, mạnh chân gối, ấm bụng. Gừng tươi là bổ sung, có tác dụng kích thích tiêu hóa, mạnh tim, giải độc thức ăn, chống suy giảm tình dục.

Đối với trẻ bị còi cọc thì nên ăn thường xuyên mỗi ngày 1 lần cho đến 16 tuổi (90% số trẻ bồi dưỡng bằng trứng vịt lôn nhiều ngày, có cải thiện chiều cao và thể lực hơn hẳn dùng thuốc bổ khác).

Người lớn ốm yếu nên dùng khoảng 60-90 ngày. Trong thời gian bồi dưỡng bằng trứng vịt lộn, cần kết hợp ăn uống đủ chất. Thường xuyên tập luyện thể dục vừa sức. Nên ăn vào buổi sáng sớm có kèm món ăn bổ sung.

Vì trứng vịt lộn có lượng sinh tố A (retinol) và tiền sinh tố A (beta caroten) khá cao - các chất này phải có đủ lượng dầu cần thiết để hòa tan, cơ thể mới hấp thu được trọn vẹn. Do vậy, ngoài rau răm và gừng thì món ăn bổ sung kèm với trứng vịt lôn tốt nhất là 1 đĩa đậu phộng luộc hoặc đơn giản hơn là uống 1 thìa canh dầu đậu nành (hoặc dầu lạc, dầu vừng, dầu ô liu).

Lưu ý khi ăn trứng vịt lộn:

Trong thời gian bồi dưỡng bằng trứng vịt lôn cần hạn chế ăn các loại gan (gà, vịt, lợn, bò...) hoặc uống thuốc có sinh tố A hàm lượng trên 1.000UI – Vì trong 100g trứng vịt lộn đã có 3.914UI sinh tố A, chưa kể tiền sinh tố A.

Với trẻ dưới 5 tuổi, hệ tiêu hóa kém thì không nên cho ăn trứng vịt lộn để tránh tình trạng sình bụng, tiêu chảy và nếu ăn nhiều thì trứng lộn lại gây hại cho cơ thể.

Những người có bệnh cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan, gan nhiễm mỡ, tim mạch... cũng nên kiêng hoặc không ăn nhiều vì có thể sẽ làm tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Theo Theo SKGĐ