Trùng tu kiểu hủy hoại

TP - Hết thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, thành cổ Sơn Tây, Ô Quan Chưởng lại đến chùa Phổ Giác - Hà Nội. Dư luận đợt này đang nóng lên với những di tích “tố khổ” bị xâm hại.

 >> Chùa Phổ Giác: Trùng tu hay xây mới?

Thành Mạc thì bị nhiều người cho rằng biến thành cái lò gạch giữa trung tâm thành phố Tuyên Quang. Thành cổ Sơn Tây đẹp nức tiếng xứ Đoài được xây thêm những đoạn thành đã mất, nửa mới nửa cũ. Ô Quan Chưởng bị quét vôi mới, màu thời gian biến mất. Chùa Phổ Giác thì đập hẳn, xây mới.

Báo chí phê phán kịch liệt. Khách tham quan cũng thế. Nhưng chủ đầu tư và người thực hiện công trình mới có cái lý của họ.

Thử nghe xem: “Chúng tôi không làm sai mà đang bảo tồn di tích lịch sử văn hóa thành cổ Sơn Tây theo đúng nghĩa” (đại diện Ban Xây dựng cơ bản Thị xã Sơn Tây - chủ đầu tư dự án cải tạo thành cổ Sơn Tây), “kiến trúc hiện tại của chùa Phổ Giác là kiến trúc rất muộn và có nhiều điểm bất hợp lý trong quy hoạch. Bởi thế, Cục Di sản đồng tình về việc trùng tu. Năm 1991, Bộ Văn hóa công nhận chùa Phổ Giác là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, vì những năm trước đây, để phục vụ nhu cầu bảo tồn và tránh xâm hại, việc xét tặng di tích khá mở” (Cục trưởng Cục Di sản- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Tóm lại là cứ đổ cho tiền nhân. Tiền nhân tu bổ sai quá. Tiền nhân lại công nhận nó là di tích quốc gia. Vì vậy (xây sửa như) phá là đúng?

Đây chỉ là phần nổi của tình cảnh di tích bị trùng tu sai, bị đập phá làm lại diễn ra khắp nơi. Không thể bàn giao di sản cha ông cho thế hệ sau bằng cái cách đập bỏ “sáng tạo” mang danh trùng tu ấy. Thà cứ làm những ngôi chùa mới đàng hoàng to đẹp như Đại Nam, như Bái Đính để thể hiện dấu ấn của hôm nay, của thời đại này, mà không mang tiếng trùng tu, không mang tiếng ăn theo di sản. May ra, mai sau cháu con còn biết trọng.

Theo Báo giấy