Trung Quốc đang ngày càng có những động thái gây hấn một cách đáng báo động. Ấn Độ cho biết Trung Quốc lập trại lính sâu trong biên giới lãnh thổ Ấn Độ 19km cạnh “đường phân chia thực tế” (LAC) phân tách khu vực Ladakh thuộc bang Jammu & Kashmir với Trung Quốc.
Nhật Bản cũng báo cáo rằng tàu hải giám Trung Quốc tuần tra hàng ngày quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Và mới đây, 26/4, Trung Quốc yêu cầu Philippines “rút toàn bộ công dân và các cơ sở vật chất” trên một số đảo và dải đá ngầm trên Biển Đông, nơi nước này chiếm đống nhiều thập kỷ qua. Tất cả các trường hợp này đều cho thấy Trung Quốc rõ ràng có những động thái khiêu khích. Điều này đều khiến các nước láng giềng ngày càng lo lắng.
Trong ba vụ tranh chấp lãnh thổ lớn này thì tranh chấp với Ấn Độ là bất ngờ nhất. Hai khu vực có tranh chấp lớn nhất giữa hai nước là Arunachal Pradesh và Aksai Chin.
Hai nước thường xuyên tuần tra trong cả hai khu vực mà hai bên cùng tuyên bố chủ quyền này. Tuy nhiên, việc lính Trung Quốc lập trại trong lần xâm nhập này lại là một chuyện khác. Đây là cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất của Trung Quốc kể từ năm 1986. Sau năm này, hai nước nhất trí dẹp cuộc tranh luận bất phân về việc phân ranh giới LAC sang một bên, tập trung vào việc chống tham nhũng, xây dựng thương mại và các mối quan hệ khác.
Ông Ajai Shukla, một nhà phân tích quốc phòng Ấn Độ, cho biết quân đội Ấn Độ đã và đang thực hiện những gì mà ông gọi là “làn sóng thứ ba tiến đến biên giới Trung-Ấn”. Hai “làn sóng” trước, một là cuối những năm 1950 làm dẫn đến cuộc chiến năm 1962, hai là vào năm 1986, dẫn đến bế tắc như hiện nay. Ông Shukla cho biết, Ấn Độ đã tăng cường hiện diện quân sự ở Arunachal Pradesh và Aksai Chin bằng nhiều binh sỹ, vũ khí và cơ sở hạ tầng.
Rõ ràng, đe dọa của Trung Quốc đến từ nhiều phía với nhiều mức độ khác nhau. Nhưng gộp lại chúng mang lại hai mối nguy hiểm cho toàn khu vực. Đầu tiên, Trung Quốc mở chiến dịch phối hợp thiết lập “các sự kiện trên mặt đất” (hoặc biển) như trên để tăng cường vị thế trong các cuộc đàm phán hoặc xung đột trong tương lai. Không giải quyết các tranh chấp từng khu vực một, Trung Quốc đang tiến hành tất cả các tranh chấp trong cùng một thời gian. Do đó, ấn tượng về một cường quốc hung hăng đang lên là điều dễ hiểu.
Xung đột không chủ ý
Mối nguy hiểm thứ hai đó là những “xung đột không chủ ý”. Cả Trung Quốc và bất kỳ quốc gia nào khác trong tranh chấp với nước này đều có thể dẫn tới bạo lực.
Nguy cơ tính toán sai lầm của một lãnh đạo địa phương cũng có thể dẫn đến leo thang căng thẳng không thể dự đoán trước. Đặc biệt trên khu vực quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, các quan chức Mỹ lo ngại rằng việc cá nhân các thuyền trưởng hoặc phi công chiến đấu quá căng thẳng hoặc hung hăng có thể gây nên những sai lầm nghiêm trọng dẫn tới những hậu quả khôn lường cho cả khu vực.
Trong một bài phân tích trên trang Politicca, các nhà phân tích cũng cho rằng “chỉ cần một lỗi ngu xuẩn có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh” khi Phillippines, Việt Nam, Đài Loan và một số quốc gia khác đang phản ứng dữ mạnh với những tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc.
Phan Yến
Theo Economist