Tỷ lệ tiêu diệt 17 - 0 không phải là chưa từng xảy ra khi một loại chiến đấu cơ mới đối đầu với các loại cũ hơn trong bài tập huấn luyện. Tuy nhiên, theo Forbes, vẫn có những lý do chính đáng để nghi ngờ tuyên bố của truyền thông Trung Quốc.
Thứ nhất, không rõ bằng cách nào một chiếc J-20 có thể "bắn hạ" 17 kẻ thù mô phỏng khi lượng vũ khí tối đa tiêu chuẩn của J-20 chỉ là sáu tên lửa — và J-20 không có pháo dự phòng.
Tuy nhiên, rõ ràng là có lý do để vào giữa tháng 9, Bắc Kinh lại đưa ra một câu chuyện về năng lực tác chiến của J-20. Khi cuộc xung đột giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ bước vào tháng thứ năm, New Delhi đã mua máy bay chiến đấu mới. Trong khi đó, lực lượng không quân Trung Quốc đã triển khai ít nhất hai chiếc J-20 tới miền Tây Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc quan tâm đến việc làm nổi bật có chủ đích về khả năng của chiếc máy bay chiến đấu tàng hình. “Mặc dù đối phương đông hơn rất nhiều, nhưng một phi công của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc đã ghi được chiến thắng 17-0 trước đối thủ bằng máy bay chiến đấu mới được đưa vào hoạt động trong một cuộc tập trận gần đây”, Hoàn Cầu thời báo đưa tin hôm thứ Ba, trích dẫn thông tin từ nhật báo Giải phóng quân.
“Nhiều manh mối cho thấy chiếc máy bay mà phi công đã bay rất có thể là J-20, máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất của Trung Quốc,” Hoàn Cầu thời báo tiếp tục. “Nếu suy đoán này là sự thật, kết quả cuộc tập trận một lần nữa chứng tỏ ưu thế tuyệt đối của J-20 so với các đối thủ thế hệ trước.”
Không rõ J-20 đã bay chống lại những loại máy bay nào. Các máy bay chiến đấu chính của không quân Trung Quốc đều là biến thể của Su-27 cổ điển của Nga những năm 1980. Máy bay J-20 lần đầu tiên bay vào năm 2011. Không quân Trung Quốc (PLAAF) được cho là sở hữu khoảng 40 máy bay J-20.
Không rõ bằng cách nào mà một chiếc J-20 với khả năng tải trọng tối đa 8 tên lửa có thể bắn hạ 17 mục tiêu trong một cuộc tập trận. Có thể các quy tắc của trò chơi chiến tranh cho phép phi công J-20 chiến đấu trong một khoảng thời gian, "nạp đạn" bằng các loại bom, đạn ảo sau đó quay lại trận chiến giả.
Trong bất kỳ trường hợp nào, việc kiểm đếm sai lệch không phải là chưa từng xảy ra. Các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35 của Không quân Mỹ thường xuyên đánh bại các máy bay kém tinh vi hơn trong các cuộc tập trận trên không. Có lẽ nổi tiếng nhất là chiếc F-14 của Hải quân Mỹ, rời biên chế vào năm 2006, đã tung hoành trên bầu trời khi nó xuất hiện lần đầu vào giữa những năm 1970.
Tom Cooper, một chuyên gia hàng không cho rằng: “Ngay sau khi F-14 đi vào hoạt động năm 1976, Hải quân Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận chống lại quân Pháp và giành chiến thắng với tỉ số 176-0”. "Đó là lý do tại sao lực lượng không quân muốn có những máy bay tiên tiến như vậy."
Bất kể tính xác thực của tuyên bố về máy bay chiến đấu tàng hình của truyền thông nhà nước Trung Quốc, mục đích cơ bản của thông điệp là rõ ràng. “Truyền thông Ấn Độ trước đây đã thổi phồng rằng máy bay chiến đấu Rafale mới mua của Ấn Độ, cũ hơn một thế hệ so với J-20, tốt hơn máy bay Trung Quốc,” Hoàn Cầu thời báo lưu ý.
Hai chiếc J-20 đã xuất hiện tại căn cứ không quân Hòa Điền ở Tân Cương, vùng viễn tây của Trung Quốc, từ giữa tháng 8.