Trung Quốc thành 'đại gia' xuất khẩu vũ khí

TP - Trung Quốc lần đầu tiên vượt Anh để trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới. Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc ngày 18/3 nhất trí không nhân nhượng Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân.

> Các nước chạy đua xuất khẩu vũ khí
> Xuất khẩu vũ khí Đức sang vùng Vịnh tăng gấp đôi

Trung Quốc đang tăng thị phần xuất khẩu vũ khí và hiện có số quân thường trực lớn nhất thế giới (Trong ảnh: binh sĩ Trung Quốc tập trận ở Sơn Đông). Ảnh: Getty Images.

Theo kết quả nghiên cứu mà Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) tại Thụy Điển công bố hôm qua, tổng lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu tăng 17% trong giai đoạn 2008-2012 so với năm năm trước đó; riêng doanh số xuất khẩu vũ khí thông thường của Trung Quốc tăng tới 162%, Bloomberg đưa tin ngày 18/3. Từ nước đứng thứ tám trên thế giới về xuất khẩu vũ khí, Trung Quốc giành được vị trí thứ năm.

Tìm khách hàng châu Phi

Khách hàng lớn nhất của Trung Quốc là Pakistan (chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc), theo sau là Myanmar với 8% và Bangladesh với 7%, SIPRI thông báo.

Theo nhà nghiên cứu Paul Holtom, Giám đốc Chương trình Chuyển nhượng Vũ khí của SIPRI, xuất khẩu vũ khí tăng vọt của Trung Quốc chủ yếu là do “các hợp đồng mua vũ khí quy mô lớn của Pakistan”.

Ngoài ra, một số hợp đồng gần đây cho thấy Trung Quốc đang khẳng định vai trò là một nhà cung cấp vũ khí chủ chốt cho nhiều quốc gia.

Ngành công nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy sản lượng xuất khẩu, đặc biệt là máy bay huấn luyện L-15 và nhiều loại tên lửa. Khá nhiều trong số vũ khí này vẫn thừa hưởng thiết kế của Nga. “Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường mới để bán vũ khí, như Algeria và Morocco ở Bắc Phi”, GS. Holtom nói.

Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu máy bay huấn luyện L-15. Ảnh: Lynx.

Lần đầu tiên kể từ năm 1950, Anh rơi khỏi tốp 5 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Dù doanh số xuất khẩu của các công ty có trụ sở tại Anh như BAE Systems Plc vẫn duy trì, trong khi doanh số của các doanh nghiệp Pháp và Đức giảm, nhưng không đủ để giữ Anh trong tốp 5. Mỹ vẫn là nước bán nhiều vũ khí nhất thế giới, theo sau là Nga, Đức, Pháp và Trung Quốc.

Mỹ-Hàn không nhân nhượng Triều Tiên

Ngày 18/3 tại Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin và Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhất trí không bao giờ nhân nhượng việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt, vì đó là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh trên bán đảo Triều Tiên, khu vực và toàn cầu”, Yonhap đưa tin.

Mỹ chiếm 30% thị phần xuất khẩu vũ khí, trong khi thị phần của Nga là 26%. Thị phần của Trung Quốc tăng từ 2% lên 5%. “Xuất khẩu máy bay quân sự có thể sẽ giúp thay đổi ngành công nghiệp quốc phòng và hàng không của Trung Quốc. Máy bay huấn luyện L-15 hoạt động tốt và giá cả cạnh tranh cao có thể sẽ trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc thời gian tới”, Alex Chang, nhà phân tích của tập đoàn Citigroup, nhận xét.

Tuy nhiên, theo GS. Holtom, tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở bán vũ khí. “Đối với một số công ty trong ngành xuất nhập khẩu vũ khí, các thỏa thuận mua bán không phải là công cụ kiếm tiền chính, mà họ đang muốn có được các hợp đồng dự án hạ tầng béo bở”, ông Holtom nói.

Về nhập khẩu vũ khí trong giai đoạn 2008-2012, Trung Quốc xuống vị trí thứ hai, sau Ấn Độ. Sau Trung Quốc là Pakistan, Hàn Quốc và Singapore. Nhập khẩu vũ khí của các nước châu Âu giảm 20%, một phần vì các chính phủ giảm chi tiêu công. Nhập khẩu vũ khí của Hy Lạp giảm tới 61%, tụt xuống vị trí 15 từ hạng 4 trong danh sách những nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất của giai đoạn trước.

“Với cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu, sự rút lui khỏi Iraq và Afghanistan, có thể châu Âu sẽ nỗ lực tìm cách bán khối lượng vũ khí dư thừa đáng kể”, nhà nghiên cứu Mark Bromley công tác tại SIPRI nhận định.

Chỉ trích kế hoạch phòng thủ tên lửa

Ngày 18/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi, nói rằng, kế hoạch của Mỹ nhằm tăng cường phòng thủ tên lửa để đối phó năng lực quân sự ngày càng tăng của CHDCND Triều Tiên sẽ “gia tăng đối đầu”, nên Washington cần “hành động thận trọng”, theo Xinhua.

Cùng ngày, Nga cũng tỏ ý phản đối kế hoạch triển khai thêm 14 hệ thống tên lửa đánh chặn ở bang Alaska (Mỹ) và thêm một radar cảnh báo sớm ở Nhật Bản.

“Vấn đề chống tên lửa liên quan trực tiếp tới sự cân bằng, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Các hành động như tăng cường phòng thủ tên lửa sẽ gia tăng đối đầu, không có lợi cho việc tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn đề”, ông Hồng Lỗi nói. Trung Quốc từng phản đối Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á, coi đó là hành động kiềm chế, ngăn chặn mình.

Ông Tập Cận Bình thăm Nga đầu tiên

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình với tư cách Chủ tịch Trung Quốc là tới Nga từ ngày 22 đến 24/3, theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo hôm qua. Rời Nga, ông Tập sẽ thăm cấp nhà nước tới Tanzania, Nam Phi và Cộng hòa Congo, theo Xinhua.

Căng thẳng trong khu vực gia tăng sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần ba vào ngày 12/2. Mỹ và các đồng minh trong khu vực lo ngại rằng, Triều Tiên đang phát triển đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để lắp vào tên lửa tầm xa.

Ngày 17/3, nghị sĩ Mike Rogers, thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cảnh báo Triều Tiên hiện có tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công Mỹ.

“Họ chắc chắn có một tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới bờ biển Mỹ. Một nhà lãnh đạo 28 tuổi (Kim Jong-un) muốn chứng tỏ bản thân với quân đội, và một quân đội hào hứng với việc đe dọa nước khác vì lợi ích riêng; sự kết hợp của hai điều này sẽ rất tai hại”, CNN dẫn lời ông Rogers.

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói rằng, Mỹ sẽ bỏ kế hoạch mở rộng lá chắn tên lửa ở châu Âu, để có tiền thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á, nâng số tên lửa đánh chặn ở Alaska từ 30 hiện nay lên 44 vào năm 2017.

Hôm qua, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rose Gottemoeller tuyên bố, Mỹ vẫn đảm bảo rằng, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ Romania sẽ hoàn tất vào năm 2015 theo kế hoạch, AP đưa tin.

Theo Báo giấy