Trung Quốc sẽ cải cách sâu rộng

TP - Dự kiến, tháng sau, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tập trung thảo luận những lĩnh vực sẽ phải cải cách mạnh mẽ, gồm: thủ tục hành chính, các ngành công nghiệp độc quyền, đất đai, hệ thống thuế và tài chính, quản lý tài sản nhà nước, chính sách mở cửa và cải cách.

> Tân Thủ tướng Trung Quốc sẽ cải cách kinh tế?

Nông dân Trung Quốc có thể sẽ được quyền bán đất nông nghiệp, hưởng đền bù thu hồi đất theo giá thị trường. Ảnh: Bloomberg.

Hôm qua, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 12/11, nhằm đưa ra “những cải cách sâu sắc, toàn diện”.

Được đưa ra sau phiên họp (do Tổng Bí thư Tập Cận Bình chủ trì ngày 29/10), thông báo này khẳng định: “Những sai trái trong hệ thống và cơ chế phải bị loại bỏ”. Đợt cải cách sắp tới nhằm cải thiện hệ thống kinh tế thị trường, thay đổi một số chức năng của chính phủ, cải cách tổ chức của doanh nghiệp, với cốt lõi là “xử lý thỏa đáng quan hệ giữa chính phủ và thị trường”.

Chính phủ chỉ quản lý bằng công cụ

Theo bản kế hoạch cải cách do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (cơ quan tư vấn chính sách cho chính quyền trung ương Trung Quốc) soạn thảo và sẽ được thảo luận tại Hội nghị, quyền lực của chính phủ trong việc phê duyệt các dự án công nghiệp sẽ giảm đáng kể, chính phủ sẽ sử dụng các công cụ thuế và tài chính để giám sát thị trường ở tầm vĩ mô. Cải cách theo hướng này đang được triển khai từng bước, từ khi Trung Quốc có thế hệ lãnh đạo mới.

Từ tháng 6, Trung Quốc hai lần giảm quyền trong phê duyệt dự án. Khoảng 310 loại phí do chính quyền địa phương lập nên đã bị xóa bỏ. Bản kế hoạch được coi là một phần của “sáng kiến kinh tế tham vọng nhất” của Trung Quốc từ khi thành lập nước và có thể coi là nền tảng cho con đường cải cách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Trong lĩnh vực công nghiệp độc quyền, nhà nước sẽ dỡ bỏ kiểm soát đối với việc nhập khẩu dầu khí. Ngành công nghiệp viễn thông sẽ được tái tổ chức nhằm khuyến khích cạnh tranh. Đầu tư vào ngành đường sắt sẽ được đa dạng hóa, ngành điện và hệ thống giá điện sẽ được cải cách. Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng, viễn thông và ngân hàng sẽ được mở cửa thêm để khuyến khích cạnh tranh trong nước.

Vấn đề thu nhập của chính quyền địa phương phụ thuộc tiền bán đất chính là nguyên nhân gây ra nhiều tranh chấp giữa chính quyền và người dân. Bản kế hoạch đề xuất cho phép đất sở hữu tập thể và đất sở hữu nhà nước được gia nhập thị trường đất phi nông nghiệp.

Theo đó, nông dân có quyền sở hữu tập thể trong việc bán đất và được đền bù thỏa đáng dựa trên tiêu chuẩn thị trường. Chính quyền địa phương sẽ không còn được mua đất của dân với giá rất thấp rồi bán lại cho các công ty xây dựng hoặc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với giá cao hơn nhiều. Cải cách trong lĩnh vực này được đề xuất tiến hành trong 3 giai đoạn: 2013-2014, 2015-2017 và 2018-2020.

Khuyến khích dân kiện quan lạm quyền

Về cải cách hệ thống tài chính, Trung Quốc hy vọng biến nhân dân tệ thành ngoại tệ mạnh trong 10 năm, được một số nước dùng làm đồng tiền dự trữ ngoại hối. Bản kế hoạch đề xuất hạ thấp ngưỡng gia nhập thị trường tài chính và nới lỏng việc kiểm soát lãi suất và tỷ giá hối đoái. Tài sản nhà nước và các khoản thu tài chính có thể bù đắp cho nhau.

Bản kế hoạch cũng nêu một số định hướng, giải pháp phát triển giáo dục, xã hội…, như chính phủ sẽ không còn bổ nhiệm giám đốc, hiệu trưởng các trường đại học, người dân sẽ được khuyến khích kiện những quan chức lạm dụng chức quyền…

Bản kế hoạch đề xuất lập khoản tiền dưỡng liêm (nuôi dưỡng sự liêm khiết của quan chức). Theo đó, quan chức nào không vi phạm pháp luật, không vi phạm quy định thì sẽ được nhận khoản tiền này khi về hưu. Ngoài ra, biện pháp công khai tài sản cá nhân của quan chức sẽ được đẩy mạnh, có thể bắt đầu từ những quan chức mới đắc cử hoặc lãnh đạo các công ty thuộc sở hữu nhà nước.

Khoảng 16% số hộ ở Trung Quốc, tương đương 64,3 triệu dân, đã bị thu hồi đất hoặc bị dỡ nhà trong quá trình đô thị hóa. Trong số người bị thu hồi đất được khảo sát, chưa đến 80% nói họ đã được đền bù, và chỉ 4% nói họ được giúp đỡ tìm việc. Đối với những người bị dỡ nhà, khoảng 94% nhận được đền bù, nhưng chưa đến 2% được giúp đỡ tìm việc.

TRÚC QUỲNH
Theo Xinhua, China Daily, Sina English

Theo Báo giấy