Trung Quốc: Qua rồi thời nhân công rẻ

TP - Trung Quốc, nền kinh tế mới vượt qua Nhật Bản chiếm giữ vị trí thứ hai thế giới sau Mỹ, giờ đây không còn là quốc gia giữ lợi thế nhân công rẻ. Lương trung bình tăng liên tục hàng chục % đã giúp 1,3 tỷ dân nay có thêm tiền để mua sắm và biến nước này thành một thị trường tiêu dùng khổng lồ.
Mức lương trung bình ở Trung Quốc tăng liên tục

> Cơ hội & thách thức

Chuyện lương bổng là nguyên nhân nhiều vụ đình công ở Trung Quốc.  Ảnh: từ internet.

Charles Hubbs, một thương gia Mỹ vừa làm một chuyến du ngoạn từ văn phòng của ông, ngoại ô Quảng Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông tới Hong Kong. Quảng Đông, đông nam Trung Quốc, được mệnh danh là công xưởng của thế giới.

Đối với người đàn ông 64 tuổi đến từ bang Lousiana này, đây có thể là chuyến đi mở đầu cho việc kết thúc 22 năm điều hành thành công một nhà máy xuất khẩu thiết bị y tế trên đất Trung Quốc.

Chuyển hướng

Hubbs sắp tới nghe buổi nói chuyện của vị đại sứ Mỹ tại Campuchia, Carol Rodley và vị chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Phnom Penh. Mục tiêu của họ rất đơn giản: thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt những ai đã làm ăn tại Trung Quốc, khuyến khích họ mở cơ sở kinh doanh ở Campuchia

Động lực khiến Hubbs tới Hong Kong nghe ngóng là do giá nhân công tăng đang khiến công ty Quảng Châu Fortunique, cung cấp thiết bị cho một vài công ty dược lớn nhất nước Mỹ, không còn tính cạnh tranh.

“Chi phí trả lương ở Trung Quốc đã tăng gần 50% trong hai năm trở lại đây”, ông nói. “Ngày càng khó giữ chân công nhân và mất nhiều tiền hơn nếu muốn thu hút công nhân mới. Chính vì thế đã đến lúc tôi phải tìm hướng khác. Tôi nghĩ tôi sẽ chỉ ở lại thêm một hai năm nữa”.

Tình cảnh của Charles Hubbs không phải là cá biệt. Ở một đất nước 1,3 tỷ dân, có 20 năm phát triển thần kỳ nhờ lợi thế giá nhân công rẻ, cuộc chơi đã thay đổi. Trong thập kỷ trước, theo Helen Qiao, trưởng nhóm kinh tế của hãng Goldman Sachs ở Hong Kong, lương thực tế của công nhân ở Trung Quốc tăng 12%/năm.

Đây là kết quả của một nền kinh tế đã tăng trưởng liên tục ở mức hai con số trong suốt hai thập kỷ, cộng hưởng với tốc độ xây dựng đô thị và cơ sở hạ tầng, một công xưởng khổng lồ làm hàng xuất khẩu.

Ở năm tỉnh thành-những trung tâm sản xuất lớn nhất nước-chính phủ Trung Quốc, vì lo lắng về khoảng cách giàu nghèo đang doãng rộng, đã tăng tiền lương tối thiểu 14%-21% trong năm 2011.

Đối với Harley Seyedin, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Nam Trung Quốc, tiến trình này là không thể tránh khỏi. “Kỷ nguyên nhân công rẻ ở Trung Quốc đã kết thúc”.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giá nhân công ở Trung Quốc, thậm chí ở những vùng đắt đỏ nhất như tỉnh Quảng Đông, cao hơn hầu hết các nước khác, nhất là so với các nước phát triển.

Lương trung bình cho công nhân sản xuất ở Trung Quốc hiện vẫn chỉ ở mức 3,1 USD/giờ (so với mức 22,3 USD/giờ ở Mỹ), tức khoảng 480.000 VND cho 8 tiếng làm việc.

Ở những tỉnh phía đông, lương trung bình khoảng 4,5USD/giờ. Đối với đa số các công ty hoạt động ở Trung Quốc, dù là công ty nhỏ, vừa hay đại công ty, quy mô đa quốc gia, quyết định sản xuất một mặt hàng luôn luôn bị điều tiết bởi nhiều yếu tố, nhưng thường ít khi có yếu tố giá nhân công. Nay thì tình hình đã khác.

Ảnh hưởng của xu hướng này là rất đáng kể và lan rộng toàn cầu. Nói ngay ở Trung Quốc: xu hướng tăng lương, vốn bị trì hoãn trong nhiều năm, đã châm ngòi cho nhiều cuộc đình công nghiêm trọng xảy ra năm ngoái.

Thậm chí đã có 14 trường hợp tự tử xảy ra tại nhà máy của tập đoàn Foxconn (sản xuất các mặt hàng điện tử cao cấp như máy tính bảng iPad), được cho là có liên quan tới tiền lương. Nhưng lương trung bình được nâng lên cũng mang lại cho khu vực phía tây Trung Quốc, nơi chính phủ từng rất cố gắng khuyến khích đầu tư, làn sinh khí mới.

Trong năm 2010, nhiều công ty đa quốc gia và công ty nội địa đã mở rộng hoặc nhảy vào đầu tư tại khu vực nhân công còn rẻ này.

Cả làng đều vui

Mức lương trung bình ở Trung Quốc tăng liên tục.

Từ giác độ của chính phủ Trung Quốc, đây đúng là sự đổi chác họ mong muốn. Andy Rothman, chiến lược gia chủ chốt của công ty chứng khoán CLSA ở Thượng Hải nói: “Người dân ở Tứ Xuyên hoặc Hà Nam hoặc bất cứ nơi nào có điều kiện gần nhà và tìm được việc trả lương tốt, thay vì phải ở tập thể công nhân, cách nhà cả ngàn cây số và cứ đến cuối năm lại làm một cuộc hành hương vĩ đại. Điều này quá tốt chứ sao”.

Tất nhiên không phải là tệ rồi. Cứ thử hỏi Vũ Đình Lập, cô gái 24 tuổi quê thành phố Tử Dương, tỉnh Tứ Xuyên mà xem. Vũ, người 5 năm làm việc trong một nhà máy thiết bị điện nhỏ ở Đông Quan, nằm giữa Quảng Châu và Thâm Quyến, bị sa thải năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới làm chao đảo các hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.

Một năm sau, cô tìm được việc mới ở một công ty sản xuất cáp điện cho một nhà máy của hãng máy tính Hewlett-Pakard ở thành phố Trùng Khánh. “Dù kiếm tiền ít hơn chút xíu nhưng sống dễ chịu hơn vì tôi được ở gần nhà”, cô nói.

Những thay đổi của công xưởng Made in China đem lại lợi ích cho cả người giàu lẫn kẻ nghèo. Những nước như Campuchia, Lào, Ấn Độ và Việt Nam đang nắm lấy các khoản đầu tư mà nền kinh tế Trung Quốc giờ đây “không tiêu hóa được” vì lợi thế nhân công rẻ không còn.

Theo một nghiên cứu gần đây của Tổ hợp tư vấn Boston (Mỹ), có bằng chứng cho thấy đang diễn ra những dịch chuyển đầu tư của doanh nhân Mỹ, cụ thể là rút vốn ở nước ngoài, đầu tư trở lại trên đất Mỹ.

Năm ngoái, Wham-O, công ty sản xuất đồ chơi rẻ tiền tuyên bố chuyển 50% dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc và Mexico về lại Mỹ.

Đồ chơi, cùng với giày da và dệt may, nằm trong số những ngành sản xuất đổ tới Trung Quốc đầu tiên vì lý do nhân công rẻ. Những ngành này, thâm dụng lao động, sử dụng công nghệ tương đối thấp, một khi đã ra đi thì không bao giờ quay lại, theo nhận định của các nhà kinh tế.

Theo nghiên cứu của Tổ hợp tư vấn Boston, năm 2000, lương trung bình ở Trung Quốc bằng 36% lương trung bình của người Mỹ. Đến cuối năm 2010, chênh lệch nhỏ lại: lương trung bình ở Trung Quốc bằng 48% mức ở Mỹ và ước tính bằng 69% trong năm 2015.

Có lẽ hiệu ứng quan trọng nhất của chuyện lương tăng ở Trung Quốc, điều khiến ai cũng hài lòng là ví người nào cũng dày thêm. Điều này khiến các đối tác thương mại của Trung Quốc lên tiếng thúc giục nước này tiêu pha mạnh hơn nhằm giảm chênh lệch trong cán cân thương mại.

Một xu hướng khác nay càng ngày càng được thấy rõ: thay vì tập trung đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, các nhà tư bản nước ngoài nay tới Trung Quốc mở nhà máy để sản xuất hàng bán ngay cho thị trường nội địa đang gia tăng tốc độ tiêu dùng.

Theo nghiên cứu của Tổ hợp tư vấn Boston, năm 2000, lương trung bình ở Trung Quốc bằng 36% lương trung bình của người Mỹ. Đến cuối năm 2010, chênh lệch nhỏ lại: lương trung bình ở Trung Quốc bằng 48% mức ở Mỹ và ước tính bằng 69% trong năm 2015.

Xuân Thủy
Theo Time, New York Times

Theo Báo giấy