Trung Quốc ngoảnh mặt khi Venezuela lao đao?

TP - Trung Quốc có thể gia hạn trả nợ cho Venezuela nhưng sẽ không cung cấp các khoản vay mới cho chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro trong khi quốc gia Mỹ Latin này đang chìm trong khủng hoảng, Reuters hôm qua dẫn các nguồn tin từ Caracas và Bắc Kinh.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (phải) bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ ký kết các hiệp định ở Caracas hôm 21/7/2014. Ảnh: Leo Ramirez.

Trong suốt 1 thập kỷ, Trung Quốc cung cấp hơn 50 triệu USD cho Venezuela thông qua các thỏa thuận vay tiền trả dầu nhằm giúp Bắc Kinh bảo đảm nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế đang phát triển nhanh của họ, đồng thời củng cố một đồng minh chống Mỹ ở Mỹ Latin.

Nhưng nguồn tiền mặt đó bị dừng từ 3 năm trước, khi Venezuela đề nghị thay đổi các điều khoản trả nợ do giá dầu lao dốc và suy giảm sản lượng khai thác dầu thô, đẩy nền kinh tế Venezuela vào tình trạng siêu lạm phát.

Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) trong tháng tới sẽ gia hạn giai đoạn ân hạn bắt đầu từ năm 2016 để Venezuela chỉ phải trả tiền lãi, các nguồn tin nói. Tuy nhiên, Trung Quốc phớt lờ nhiều đề nghị từ Caracas về việc cung cấp các khoản vay mới. “Trong tình trạng sản xuất dầu khí của Venezuela sụt giảm, việc các ngân hàng Trung Quốc không cấp các khoản vay mới cũng là điều tự nhiên”, Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên trong ngành dầu khí Trung Quốc. Khi được hỏi liệu các điều kiện có bị thắt chặt, một nguồn tin khác trong ngành dầu khí dẫn một câu thành ngữ Trung Quốc, nói rằng, Trung Quốc không cần “lạc tỉnh hạ thạch” (ném đá vào người đã ngã xuống giếng).

Venezuela vẫn nợ Trung Quốc 19,3 tỷ USD, một nguồn tin trong ngành tài chính Venezuela nói. Khoảng 10,4 tỷ USD trong đó là khoản nợ theo thỏa thuận cung cấp khoản tín dụng 20 tỷ USD ký giữa hai nước năm 2010. Một khoản nợ khác trị giá 8,4 tỷ USD vẫn tồn đọng trong khuôn khổ Quỹ Trung Quốc – Venezuela thông qua ba đợt cấp.

Chính sách của Trung Quốc là không cho vay mới cho đến khi các khoản vay cũ được thanh toán hết – điều không thể xảy ra với Venezuela vì nước này mới đang trả lãi và số dư nợ vẫn chưa thay đổi. Khi được hỏi liệu CDB có nghĩ lại việc cho Venezuela vay tiền trong tình trạng hiện nay hay không, Chủ tịch CDB, ông Zheng Zhijie, nói: “Chúng tôi đã làm xong đánh giá về tình hình kinh tế và chính trị. Giờ chúng tôi chỉ theo dõi thôi”.

Coi Tổng thống Maduro như ông Mugabe

Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh hiểu rõ cách nghĩ của người Trung Quốc về Venezuela, nói rằng Trung Quốc ngày càng coi Tổng thống Maduro giống cựu Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe – người bị buộc từ chức sau 40 năm nắm quyền với kết quả để lại là khủng hoảng kinh tế và siêu lạm phát.

Trung Quốc sẽ không bận tâm đến số phận của ông Maduro giống như cách ứng xử của họ với ông Mugabe khi ông này bị lật đổ, nhưng Bắc Kinh sẽ không chủ động loại bỏ ông ấy, nguồn tin nói. “Trung Quốc nhìn Venezuela giống như một Zimbabwe khác: nơi họ thu được lợi tức đầu tư rất thấp”, Reuters dẫn lời nguồn tin.

Bộ Thông tin Venezuela không phản hồi đề nghị bình luận về những thông tin này, theo Reuters. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, hợp tác song phương giữa hai nước đang tiến triển suôn sẻ, và “Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai hợp tác thực chất với Venezuela”.

Trong đánh giá đưa ra vào tháng 11 năm ngoái, Dagong, một hãng xếp hạng có uy tín ở Trung Quốc, xếp tình trạng nợ công của Venezuela vào dạng tiêu cực cần theo dõi, cảnh báo nguy cơ vỡ nợ trái phiếu cao. “Venezuela không đủ khả năng tạo ra của cải cho chính họ trong khi các nguồn trả nợ cực kỳ mong manh, vì thế khả năng thanh toán của họ rất thấp”, Dagong viết. Những biện pháp trừng phạt do chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt khiến Venezuela không thể trang trải gánh nặng nợ của họ và cũng khó nhập các mặt hàng cơ bản như thực phẩm, Dagong đánh giá.

Bắc Kinh cũng từ chối cấp các khoản vay mới cho công ty dầu khí nhà nước PDVSA của Venezuela, các nguồn tin trong ngành tài chính Venezuela nói. Tháng 12 năm ngoái, PDVSA thanh toán 1,5 tỷ USD họ vay từ Trung Quốc năm 2014, nhưng không thể vay mới nữa. Khoản vay này được trả bằng tiền mặt chứ không phải bằng dầu, khiến nó kém hấp dẫn hơn, nguồn tin nói.

Trong những tháng gần đây, Venezuela đề nghị tổ chức nhiều cuộc gặp khác nhau để Trung Quốc cung cấp các khoản vay mới, bao gồm giải ngân nốt số tiền trong khoản 20 tỷ USD ký từ trước, nhưng những đề nghị này đều bị phớt lờ, theo các nguồn tin từ Venezuela.

Theo giới quan sát, với tình trạng kinh tế của Venezuela hiện nay, khả năng trả nợ Trung Quốc là rất khó. Để có thể đòi tiền về, Trung Quốc sẽ vướng vào một cuộc tranh chấp thương mại rắc rối và một quy trình không thân thiện để thu tiền về một cách cưỡng ép, khiến chính phủ mà họ chủ động hỗ trợ nhiều năm qua bị mất mặt. Đến cuối năm ngoái, Venezuela đã chậm trễ các chuyến dầu chở cho Trung Quốc và Nga, Reuters dẫn các tài liệu nội bộ.