Khi di chuyển với tốc độ siêu thanh, tức 5 lần tốc độ âm thanh, máy bay và vũ khí gặp rất nhiều lực cản từ không khí, làm ảnh hưởng đến an toàn bay và tiêu tốn nhiên liệu.
Giản lược thiết kế có thể giúp giảm bớt lực cản này, nhưng cần nhiều cải tiến hơn nữa để có thể tăng tốc đáng kể.
Giờ đây, một nhóm chuyên gia về laser tại Trường Kỹ thuật hàng không Bắc Kinh đang chế tạo một loại súng laser cực mạnh để gắn vào đầu máy bay hoặc tên lửa siêu thanh, không phải để bắn kẻ thù mà để tăng tốc cho phương tiện. Thiết bị này có thể giảm khoảng 70% lực cản không khí, theo tính toán của các nhà nghiên cứu.
Công nghệ mới “có thể thay đổi cấu trúc sóng xung kích trước máy bay/tên lửa siêu thanh, do đó làm thay đổi tốc độ và phân bổ áp suất để giảm lực cản”, ông Wang Diankai và các đồng nghiệp viết trong bài báo dăng trên tạp chí Laser và Hồng ngoại đầu tháng này.
Trung Quốc sẽ tận dụng công nghệ này khi thiết kế các loại vũ khí mới, dù vẫn cần giải quyết một số vấn đề kỹ thuật, các nhà nghiên cứu cho biết. Trường Kỹ thuật hàng không Bắc Kinh là một đơn vị thuộc lực lượng hỗ trợ chiến lược của quân đội Trung Quốc. Trung Quốc thành lập lực lượng chuyên về chiến tranh vũ trụ và không gian mạng từ năm 2015.
Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc và nước ngoài, chỉ số “Mach” càng cao thì lợi ích càng lớn. Mach là tỷ lệ giữa tốc độ của vật thể với tốc độ âm thanh trong môi trường mà vật thể đang chuyển động.
Ông Wang cho biết những máy bay được gắn thiết bị laser mới có thể tăng tốc độ đáng kể so với khi không có.
Ý tưởng về việc bắn laser vào không khí để tăng tốc đã có từ nhiều năm nay, nhung chủ yếu vẫn ở trên giấy vì các nhà khoa học đưa ra cách giải thích khác nhau về cách thức hoạt động.
Ông Wang và các đồng nghiệp nói rằng dù khó giải thích cho người thường hiểu, nhưng bản chất công nghệ này rất đơn giản. Họ cho rằng thế giới chưa có công nghệ ứng dụng nào vì những lý thuyết hiện nay không nắm bắt được tất cả những yếu tố cần thiết trong thực tế phức tạp.
Theo ông Wang, sự phát triển công nghệ laser ở Trung Quốc vẫn được giữ kín, nhưng mô hình lý thuyết mà các nhà khoa học ở Bắc Kinh sử dụng có bản chất phức tạp hơn bất kỳ nơi nào. Nhóm nghiên cứu tin rằng thiết bị năng lượng laser của họ có thể tạo ra một đám mây plasma trong hình dạng giọt nước và ngay lập tức vỡ làm đôi.
Những đám mây nhỏ hơn sẽ đi theo các hướng ngược nhau và tạo ra luồng gió chuyển động phía trước tên lửa hoặc máy bay siêu thanh. Cách này sẽ giúp giảm lực cản bằng cách tạo ra lỗ hổng trong luồng sóng xung kích phía trước.
Thiết bị laser cần có kích thức nhỏ để lắp vào đầu máy bay hoặc tên lửa, nhưng giờ kích thước đang là vấn đề mà các nhà khoa học phải giải quyết.
Tại Thượng Hải, Trung Quốc đang chế tạo thiết bị laser mạnh nhất thế giới, có thể tạo ra năng lượng mạnh hơn 10.000 lần tất cả các dòng điện trên thế giới gộp lại. Tuy nhiên, thiết bị này và công cụ hỗ trợ đang có kích cỡ đồ sộ, nên bài toán tiếp theo mà họ phải giải quyết là thu nhỏ thiết bị.