Trung Quốc liên tiếp phát hiện SARS CoV-2 trên nông sản, Bộ NN&PTNT nói gì?

TPO - Sau khi Trung Quốc thông báo phát hiện SARS-CoV-2 trên thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có phản hồi về những dấu hiệu bất thường liên quan việc kiểm tra nói trên. Sau đó phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra lại và thừa nhận SARS-CoV-2 lây nhiễm trong quá trình vận chuyển tại nước này. 

Ngày 5/10, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3/2021 của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhập khẩu nông lâm thủy sản cũng tăng mạnh tương ứng với 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%. Như vậy, xuất siêu 9 tháng dù đạt trên 3,3 tỷ USD nhưng giảm tới 55,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Việt, thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam đang có sự chuyển dịch rõ rệt. Mỹ trở thành quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, với 28,6% thị phần, Trung Quốc 19,1%, Nhật Bản 6,8%, Hàn Quốc 4,3%.

Liên quan đến việc thời gian qua, Trung Quốc liên tục thông báo phát hiện SARS-CoV-2 trên xe chở nông, thủy sản của Việt Nam và tạm dừng nhập khẩu một số loại nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Đầu tiên, Trung Quốc nêu phát hiện SARS-CoV-2 có trên bao bì thủy sản của Việt Nam xuất từ Tiền Giang. Tuy nhiên, lúc đó Tiền Giang không có ca nào F0, nên chúng tôi khẳng định không có lý do gì lây nhiễm sang hàng. Có thể ở trong quá trình vận chuyển qua các cảng ở Trung Quốc bị lây nhiễm. Sau khi Bộ NN&PTNT phản ánh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã kiểm tra lại và thừa nhận SARS-CoV-2 lây nhiễm trong quá trình vận chuyển tại nước này".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, đến nay chưa có căn cứ khoa học nào cho thấy SARS-CoV-2 lây nhiễm từ thực phẩm, thực vật, nông sản sang người

Theo Thứ trưởng Tiến, đến nay các tổ chức quốc tế như WHO, FAO…đều khẳng định chưa có căn cứ khoa học nào cho thấy SARS-CoV-2 lây nhiễm từ thực phẩm, thực vật, nông sản sang người. Hiện, Trung Quốc đưa hàng rào kỹ thuật trong việc nhập khẩu nông sản, thực phẩm từ 60 quốc gia. Do vậy, các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng sang nước này phải hết sức chú ý, cập nhật thường xuyên các thông tin, quy định.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết thêm, trong bối cảnh dịch bệnh, các thị trường đều siết các quy định về nhập khẩu hàng hóa. Trong đó, đối với thị trường Trung Quốc, thời gian gần đây đang tăng cường các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm.

Theo ông Nam, từ ngày 1/1/2022, Lệnh 248 "Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh 249 “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu " của Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực. Khi đó, hàng hóa của các quốc gia xuất sang thị trường này sẽ được kiểm tra chặt chẽ hơn trước. Sau khi nhận được thông tin, văn phòng SPS Việt Nam đã thông tin đến các bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Y tế...

“Hiện, chúng tôi đã hoàn thành dự thảo những thay đổi liên quan đến 2 lệnh này gồm 20 trang, trong đó có các nội dung như kiểm soát DN nhập khẩu, các quy định thủ tục, hồ sơ, đánh giá rủi ro... Trong tháng 10, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc họp với các đơn vị và doanh nghiệp để phổ biến. Văn phòng SPS Việt Nam cũng sẽ trình lãnh đạo Bộ NN&PTNT để từ nay đến cuối năm phê duyệt sớm dự thảo này”, ông Nam nói.