Trung Quốc kiểm tra an toàn đường sắt trong hai tháng

TP - Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Sheng Guangzu đã xin lỗi quốc dân vì để xảy ra vụ tai nạn xe lửa cao tốc tại tỉnh Chiết Giang cuối tuần qua, đồng thời ra lệnh toàn ngành dành 2 tháng để kiểm tra an toàn đường sắt.
Hiện trường vụ tai nạn tàu cao tốc hôm 23-7. Một số toa tàu bị văng khỏi cầu cạn Ảnh: AP

> Lo ngại bao trùm đường sắt cao tốc Trung Quốc

Hiện trường vụ tai nạn tàu cao tốc hôm 23-7. Một số toa tàu bị văng khỏi cầu cạn. Ảnh: AP.
 

Báo chí Trung Quốc hôm 26-7 cho biết, Bộ trưởng Đường sắt yêu cầu các quan chức ngành này phải ra tận hiện trường để rút ra bài học từ vụ tai nạn. Trong 2 tháng kiểm tra, các chuyên gia tập trung khâu an toàn của tàu hỏa cao tốc và các tàu chở khách khác.

Hạng mục được quan tâm nhiều là điểm tiếp nối điện để ngăn chặn tình trạng tàu ngừng chạy vì mất điện. Các chuyên gia kỹ thuật cũng kiểm tra để phát hiện sự cố có thể xảy ra tai nạn do bão lụt, điều kiện thời tiết khắc nghiệt…

Tàu khách cao tốc D301 đã đâm vào đuôi đoàn tàu tốc hành D3115 đang chết máy nằm trên đường ray do bị sét đánh gây mất điện. Sự cố mất điện trên diện rộng đã làm tê liệt toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu báo an toàn đường sắt.

Vì không thấy đèn tín hiệu báo nguy hiểm trên đường ray, người lái tàu cao tốc D301 không kịp dừng đoàn tàu đang chạy tốc độ cao dẫn đến tai nạn, khiến ít nhất 39 người thiệt mạng, gần 200 người bị thương. Chính phủ Trung Quốc bắt đầu đền bù cho các gia đình nạn nhân - 77.500 USD/hộ.

Sau vụ tai nạn, Bộ Đường sắt Trung Quốc cách chức cục trưởng, phó cục trưởng và bí thư đảng ủy Sở Đường sắt thành phố Thượng Hải. Phát ngôn viên Bộ Đường sắt Wang Yongping nói rằng, với tư cách là lãnh đạo Sở, ba vị này phải chịu trách nhiệm cao nhất về nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn.

Vụ tai nạn xảy ra vào thời điểm Trung Quốc đã và đang chi nhiều tỷ USD mở rộng mạng lưới đường sắt toàn quốc. Tháng trước, nước này khai trương đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải, rút ngắn một nửa thời gian đi lại giữa hai thành phố này bằng tàu hỏa.

Tuy nhiên, dự án bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trước hết là chi phí quá cao - 33 tỷ USD. Thứ hai, sau khi khai trương, hệ thống cấp điện trục trặc liên tục khiến người dân nghi ngờ độ tin cậy của mạng lưới đường sắt cao tốc.

Hậu quả là cổ phiếu của tập đoàn Đầu máy xe lửa Nam Trung Hoa và Rolling Stock (đơn vị chế tạo đoàn tàu vừa gặp tai nạn) mất giá đến 16% tại thị trường chứng khoán Hong Kong. Trong khi đó, cổ phiếu của các hãng hàng không tăng giá hơn 4% vì dân chúng cho rằng, đi máy bay an toàn hơn đường sắt cao tốc ở Trung Quốc.

Đ.P
Theo China Daily, BBC

Theo Báo giấy