Trung Quốc gấp rút thông qua luật đầu tư mới

TP - Dưới sức ép của Mỹ phải cải cách kinh tế để có thể giải quyết cuộc chiến thương mại, Trung Quốc đang gấp rút chuẩn bị thông qua luật mới về đầu tư.
Dự thảo luật mới có những điều khoản theo yêu cầu Mỹ nêu ra trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Argentina Ảnh: SCMP

Dự luật đầu tư nước ngoài khẳng định sẽ “tăng cường mở cửa để chủ động khuyến khích đầu tư nước ngoài và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài”. Dự luật mới bao gồm nhiều nội dung cải cách theo mong muốn mà Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Buenos Aires vào tháng 12 vừa qua, trong đó có vấn đề chuyển giao công nghệ ép buộc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ vốn cho các công ty nước ngoài. Dự luật mới cam kết “đối xử bình đẳng” với các công ty nước ngoài làm ăn ở Trung Quốc, nhưng bảo lưu quyền “xem xét lại những hoạt động đầu tư nước ngoài ảnh hưởng hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.

Dự luật này được đánh giá là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm tránh nguy cơ bị Mỹ tăng thuế lên lượng hàng trị giá 250 tỷ USD từ 10% lên 25% từ ngày 2/3 tới nếu những yêu cầu của Washington không được đáp ứng. Dự luật này thật ra được soạn thảo từ năm 2015, nhưng đến mãi cuối năm 2018 mới được mang ra xem lại trước tình trạng nhiều công ty quốc tế rời khỏi Trung Quốc.

Bất an trước những vấn đề kéo dài liên quan đến bảo vệ đầu tư và chi phí gia tăng, cũng như những sóng gió địa chính trị do cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung gây ra gần đây, nhiều công ty quốc tế đang chuyển nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc.

 “Thường thì quốc hội Trung Quốc phải mất 2 đến 3 năm mới hoàn thành chu kỳ từ soạn thảo đến thông qua luật. Và giờ, quốc hội định thông qua luật vào tháng 3. Tôi chắc rằng áp lực từ Mỹ là nhân tố thúc đẩy chính”, SCMP dẫn lời PGS Wang Jiangyu, công tác tại khoa luật của ĐH Quốc gia Singapore.

Dự luật đang trong giai đoạn tham vấn, với các bên liên quan được mời cho ý kiến về nội dung. Các phòng thương mại được mời góp ý, nhằm thể hiện rằng Trung Quốc nghiêm túc trong việc đối xử bình đẳng với các công ty nước ngoài như các doanh nghiệp trong nước. “Chúng tôi coi điều này là diễn biến tích cực và hoan nghênh những nỗ lực nhằm đổi mới cơ chế đầu tư của Trung Quốc”, ông Alan Beebe, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc, nói.

Tuy nhiên, giới đầu tư nước ngoài chưa phải đã hết lăn tăn. “Ban hành luật mới chắc chắn là một bước tiến. Nhưng thách thức thực sự là tính thực tiễn của họ”, bà Kim Yun-hee, một ủy viên thương mại cấp cao tại Cơ quan xúc tiến đầu tư thương mại Hàn Quốc tại Bắc Kinh, nói.