Ông Embridge Colby, người đồng sáng lập và giám đốc Marathon Initiative, một sáng kiến thúc đẩy tư duy và chính sách về cạnh tranh đại cường cho Mỹ cùng các đồng minh và đối tác, nói như vậy với các phóng viên tại cuộc gặp ở Hà Nội ngày 23/8.
Về câu hỏi đề nghị đánh giá bản chất của việc Trung Quốc điều nhóm tàu Hải Dương 8 trở đi trở lại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ông Colby nói rằng việc này “cực kỳ đáng quan ngại”, và Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra tuyên bố phù hợp. Ông cho rằng Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện chiến thuật “tằm ăn dâu” đối với cả Việt Nam và Philippines.
Chuyên gia này cho rằng tình hình biển Đông hiện nay khác với trên biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp. Trên biển Hoa Đông, Mỹ và Nhật Bản có liên kết chặt chẽ hơn, Nhật Bản cũng có tiềm lực tốt hơn. Còn ở biển Đông, năng lực của các nước yếu hơn, và quan hệ với Mỹ cũng không bằng Nhật, ông nói.
Ông cho rằng vấn đề chính hiện nay mà nhiều nước đang đối mặt là Trung Quốc thực hiện chiến lược chia rẽ, cô lập và gây sức ép để buộc các nước phải chấp nhận điều kiện, luật chơi của mình. Còn Mỹ có quan hệ ở mức độ khác nhau với mỗi quốc gia. Vì thế, Mỹ phải làm việc với mỗi nước theo cách phù hợp với hoàn cảnh chính trị. Ông cho rằng Mỹ đang dành cho Việt Nam sự ủng hộ về chính trị và giúp Việt Nam nâng cao năng lực để Việt Nam tự bảo vệ chủ quyền của mình trên biển Đông.
Về câu hỏi làm thế nào để các nước có thể đối phó với chiến thuật của Trung Quốc là tạo ra sự đã rồi, ông Colby nói rằng đây là vấn đề khó trong quân sự. Với những hành động dưới ngưỡng chiến tranh của Trung Quốc, còn được gọi là chiến thuật vùng xám, Mỹ hay Nhật Bản không có lý do để can dự. Các nước liên quan phải tự nâng cao năng lực của mình để đối phó, ông Colby nói. Chuyên gia này không loại trừ khả năng Bắc Kinh ra tay chớp nhoáng trên biển Đông.
Nên công nhận chủ quyền
Đánh giá về hiệu quả của các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ trên biển Đông, ông Colby cho rằng FONOP tốt, nhưng không thay đổi được tính toán của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn tiếp tục lợi dụng kẽ hở để thực hiện các hoạt động phi pháp của họ ở biển Đông. Ông Colby cho rằng ông và nhiều người ở Mỹ khác tin rằng Washington phải có bước đi mạnh mẽ hơn nữa, có thể là công nhận chủ quyền của các nước như Philippines và Việt Nam trên biển Đông.
Về câu hỏi Mỹ sắp tới có phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) hay không, ông Colby nói rằng Mỹ dù chưa phê chuẩn nhưng tôn trọng tinh thần của công ước, còn Trung Quốc đã là thành viên của công ước nhưng vẫn vi phạm. “Nên nhìn vào ứng xử thực tế của các quốc gia chứ không phải danh nghĩa tham gia”, ông nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ quan ngại
Trong tuyên bố đưa ra ngày 22/8, Bộ Ngoại giao Mỹ nói việc Trung Quốc tái triển khai tàu khảo sát cùng các tàu hộ tống vũ trang trong vùng biển Việt Nam hôm 13/8 là “sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực đe dọa các nước khác có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông không được phát triển tài nguyên”.
Tuyên bố nói mục tiêu của Bắc Kinh là “ép buộc các nước từ chối liên kết với các công ty dầu khí nước ngoài, chỉ làm việc với các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc”. “Các hành động của Trung Quốc làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực, bắt các quốc gia Đông Nam Á gánh chịu chi phí kinh tế bằng cách ngăn họ tiếp cận các nguồn hydrocarbon chưa khai thác trị giá khoảng 2.500 tỷ USD”, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.