Dưới thời ông Trump, Washington từ bỏ thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, TPP, Hội đồng nhân quyền LHQ và UNESCO, và quay lưng với thỏa thuận hạt nhân Iran. Mỹ cũng thông báo sẽ rút khỏi WHO vào tháng 7 năm sau và khiến WTO tê liệt khi chặn việc bổ nhiệm thêm lãnh đạo.
Chê Washington là “nghiện bỏ cuộc”, Bắc Kinh đang nỗ lực đóng vai trò dẫn dắt toàn cầu. Người Trung Quốc đang đứng đầu 4 trong 15 cơ quan của Liên Hợp quốc, và Bắc Kinh cam kết tăng đóng góp cho WHO lên 2 tỷ USD.
Trung Quốc đang tìm kiếm chiếc ghế phù hợp hơn với địa vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời lập ra những định chế riêng như sáng kiến Vành đai Con đường và Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB).
“Trung Quốc đang cố gắng hết sức để tận dụng việc Mỹ rút lui để đẩy các mục tiêu của mình. Tuy nhiên, Trung Quốc gặp khó khăn khi chuyển ảnh hưởng của mình sang thành công về chính sách đối ngoại”, ông Paul Haenle, giám đốc Trung tâm toàn cầu Carnegie–Thanh Hoa tại Bắc Kinh, nói với Reuters.
Dù Trung Quốc đã khống chế được virus corona và đang đi đầu trong nỗ lực vắc-xin toàn cầu, việc nước này xử lý không đúng cách dịch bệnh trong giai đoạn đầu đã vấp phải nhiều chỉ trích.
Cách xử lý vấn đề Hong Kong, người Hồi giao Duy Ngô Nhĩ và hoạt động xây đảo nhân tạo trên biển Đông, gia tăng sức ép lên Đài Loan và tiến hành chính sách ngoại giao “chiến binh sói” cũng khiến họ mất điểm đối với nhiều nước, đặc biệt là phương Tây, dù các chính sách của ông Trump làm suy giảm vị trí của Mỹ.
“Nhiều người coi sự rút lui của Mỹ khỏi các tổ chức toàn cầu dưới thời ông Trump là mảnh đất màu mỡ cho Trung Quốc, nhưng chính sách ngoại giao “chiến binh sói” của Trung Quốc khiến họ không tranh thủ được cơ hội”, bà Susan Thornton, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về châu Á, đánh giá.
Một khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew tại Mỹ cho thấy quan điểm không tích cực với Trung Quốc ở các nền kinh tế phát triển, bao gồm Mỹ, tăng mạnh trong năm qua.
Hồi tháng 4, một báo cáo nội bộ của Trung Quốc cảnh báo rằng Bắc Kinh đang đối diện với một làn sóng thù địch gia tăng sau đại dịch COVID-19, với tư tưởng chống Trung Quốc lên mức cao nhất trong nhiều năm, Reuters dẫn lời những người nắm được vấn đề cho biết.
Nếu trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo, ông Joe Biden được đánh giá sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc, đồng thời phối hợp với các đồng minh và tổ chức quốc tế theo cách truyền thống hơn. Ông khẳng định sẽ giữ Mỹ ở lại WHO và tham gia trở lại thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.