Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn lạnh nhạt từ khi vụ đụng độ nghiêm trọng nhất trong 45 năm khiến 20 lính Ấn Độ và 4 lính Trung Quốc thiệt mạng. Từ đó, hai bên vẫn duy trì lực lượng đông đảo trên biên giới thuộc dãy Himalaya.
Ấn Độ là thành viên của "Bộ tứ", một liên minh không chính thức cùng với Mỹ, Nhật và Úc, nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Trong suốt giai đoạn đối đầu, các quan chức Trung Quốc luôn hạ thấp tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, nhấn mạnh mong muốn của Trung Quốc là giữ ổn định biên giới và ngăn chặn cuộc đối đầu ảnh hưởng đến những lĩnh vực hợp tác khác trong quan hệ với Ấn Độ”, Bộ Quốc phòng Mỹ viết trong báo cáo gửi Quốc hội công bố ngày 29/11.
“Trung Quốc muốn ngăn căng thẳng biên giới đẩy Ấn Độ gần hơn với Mỹ. Các quan chức Trung Quốc cảnh báo Mỹ chớ can thiệp vào quan hệ giữa Trung Quốc với Ấn Độ”, báo cáo viết.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên không đề cập đến báo cáo của Lầu Năm Góc trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 30/11. Tuy nhiên, ông nói rằng đợt tập trận chung Mỹ - Ấn trong tháng này ở bang Uttarakhand, cách biên giới Trung Quốc không xa, “không có lợi cho việc xây dựng lòng tin giữa Ấn Độ và Trung Quốc”.
Brahma Chellaney, một nhà phân tích về quốc phòng và chiến lược tại New Delhi, cho rằng Trung Quốc có thể “thúc đẩy lợi ích của mình” bằng cách hạ thấp tính nghiêm trọng của thế đối đầu quân sự trên biên giới Himalaya trong khi vẫn bảo vệ những lĩnh vực hợp tác khác với Ấn Độ.
“Trớ trêu là việc hạ thấp sự hung hăng lại giúp Ấn Độ giữ thể diện”, ông Chellaney viết trên Twitter, ngụ ý nói đến những chỉ trích trong dư luận Ấn Độ về cách đáp trả Trung Quốc.