Sau 3 ngày thảo luận về nhiều vấn đề, từ cắt giảm phát thải, sử dụng nhiên liệu hóa thạch đến tài chính khí hậu để hỗ trợ các nước nghèo, các quan chức của G20 không thể đưa ra thông cáo chung hay bất kỳ cam kết mới nào.
Trong một tuyên bố, nhóm này thừa nhận rằng những biện pháp để đối phó với biến đổi khí hậu vẫn “chưa đủ”.
Các thành viên của phái đoàn châu Âu nói rằng Trung Quốc và Ả-rập Xê-út không chấp nhận đưa ra cam kết nào tại hội nghị này.
Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ “lấy làm tiếc” khi hội nghị không thể tiến đến thỏa thuận, vì nguyên nhân là “những vấn đề địa - chính trị” mà các quốc gia khác nêu ra “không vì lý do gì”.
Trung Quốc, nơi khai thác hơn một nửa sản lượng than toàn cầu, không chấp nhận những lời kêu gọi phải giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hơn nữa. Bắc Kinh nói rằng lịch sử và mức phát thải CO2 trên đầu người của họ vẫn thấp hơn của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng G20 nên xây dựng đồng thuận chính trị giữa các thành viên và “tôn trọng những giai đoạn phát triển khác nhau và điều kiện của từng quốc gia”.
Trong tuần này, nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc, trong đó có thủ đô Bắc Kinh, hứng lượng mưa lớn nhất trong 140 năm, cơ quan dự báo khí tượng quốc gia cho biết. Đây là ví dụ mới nhất cho mô hình thời tiết cực đoan xảy ra khắp thế giới, làm gia tăng nỗi lo về tốc độ ấm lên toàn cầu.
Trung Quốc cam kết đưa mức phát thải đạt đỉnh trước khi kết thúc thập kỷ này và trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2060.
Tuy nhiên, dù xây dựng năng lực sản xuất năng lượng sạch đạt mức kỷ lục, mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của Trung Quốc vẫn tăng, và nước này không có kế hoạch cắt giảm sử dụng than cho đến năm 2026.