Trùng phùng sau 39 năm lưu lạc

TP - 39 năm trước, ngày 23/3/1975, khi người dân đang say sưa xem văn nghệ, chiếu phim chào mừng quê hương Quảng Ngãi được giải phóng thì bất ngờ những tiếng nổ lớn vang lên khiến ai nấy xô nhau chạy toán loạn.
Mẹ con bà Bê hạnh phúc trong ngày đoàn tụ.

Trong số ấy có một cô gái tuổi 14 cũng tháo chạy và mất tích lạc mẹ từ ngày đó. 

Tròn 39 năm sau, cuộc trùng phùng đầy nước mắt giữa người mẹ già 85 tuổi ngày đêm mong ngóng con - cụ Trần Thị Yến và cô con gái Võ Thị Bê, nay đã 53 tuổi, như một câu chuyện cổ tích…

Lạc nhau giữa ngày giải phóng

Chiều 21/2/2014, ngôi nhà nhỏ của cụ Yến giữa vùng quê nghèo thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) rất đông bà con làng trên, xóm dưới tìm đến chúc mừng cuộc đoàn tụ đầy bất ngờ của mẹ con bà. Tiếng cười xen lẫn tiếng nấc nghẹn khiến nhiều người rơi nước mắt.

Ôm con gái vào lòng, cụ Yến thốt lên: Ngày mất con, mẹ khóc đến khô nước mắt. Cha và anh hai tất tả ngược xuôi khắp trong Nam, ngoài Bắc để tìm con. Cha con đã chết ở Vũng Tàu, khi trên đường đi tìm con đấy…”. Nghe đến đó, bà Bê khóc ngất như đứa trẻ lên ba.

Với cụ Yến, ký ức kinh hoàng của đêm văn nghệ ấy là những mảnh ghép trong từng nỗi nhớ con. Ngày 23/3/1975, chính quyền và người dân Quảng Ngãi hân hoan trong niềm vui ngày tỉnh nhà được giải phóng.

Đêm đó, tại sân bãi thôn Thế Bình, đoàn chiếu phim màn ảnh rộng đang chiếu phim phục vụ đồng bào bất ngờ những tiếng nổ ầm vang xé toang màn đêm của những tàn quân đối phương còn sót lại khiến mọi người chạy toán loạn, trong đó có mẹ con bà Yến. Do người ta xô đẩy nhau chạy, nên chỉ chạy được một đoạn, bà Yến và con gái Võ Thị Bê lạc mất nhau. Cô bé Bê ngày đó, như những đứa trẻ khác cứ nghĩ chạy càng xa tiếng súng càng tốt.

“Hồi đó tôi 14 tuổi, nhưng còn khờ lắm. Nên khi nghe tiếng súng thấy người ta chạy tôi cũng chạy theo chứ biết gì đâu. Đến sáng hôm sau giật mình dậy thấy mình nằm bên vệ đường. Tôi tiếp tục đi tiếp rồi lưu lạc lên miền núi, ở được 2 ngày. Thấy người đồng bào sợ quá nên bỏ đi. Không biết thế nào mà lưu lạc ra tận huyện Bình Sơn”, bà Bê nhớ lại.

Không nơi nương tựa, cô bé Bê lang thang trên đường lộ. Đang co ro bên vệ đường vì đói, cô bé ngước lên nhìn thì thấy một người phụ nữ hỏi thăm. “Thấy con bé tội quá, mặt ngơ ngáo tôi nghĩ thương nên mang về nuôi. Ngần ấy năm, giờ con nuôi tìm được gia đình, cội nguồn tôi rất vui”, bà Tiên, người mẹ nuôi bà Bê từng ấy năm, kể lại.

40 cây số tìm gần 40 năm mới gặp

Bà Bê kể lại: Trong những năm tháng lưu lạc, bà chưa lúc nào không thôi nghĩ đến gia đình, nhiều lúc nhìn thấy gia đình người khác đoàn tụ bà lại ứa nước mắt.

Thế rồi khi biết đến chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, bà quyết tâm tìm kiếm cội nguồn của mình. Nhưng rồi những lần tìm kiếm ấy đều rơi vào thất vọng. Bà Bê chỉ còn biết gửi tin nhắn tìm người thân đến Đài truyền hình tỉnh.

Gia đình, người thân, bà con chòm xóm chia vui đoàn tụ

Thế rồi, may mắn đã đến khi vào ngày 13/2 vừa qua, một lần tình cờ xem bản tin ngắn trên Đài truyền hình Quảng Ngãi, chị Võ Thị Vân, cháu gọi bà Bê là cô ruột, thấy những thông tin tìm người thân giống với trường hợp của gia đình nhà mình nên báo cho cha mẹ. Lập tức, cả 16 người trong gia đình thuê xe ra thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) để tìm kiếm người thân.

Thì ra chỉ sống cách nhau chừng 40 cây số, mà phải đợi đến gần 40 năm mới tìm lại được nhau.

Sáng 22/2, ông Võ Đức Minh, anh ruột bà Bê tổ chức mời bà con chòm xóm đến tổ chức lễ cúng để kính cáo với tổ tiên đã tìm được người em gái.

“Với dòng tộc họ Võ chúng tôi, đây là niềm hạnh phúc không thể nói hết bằng lời. Cô đã về với gia đình rồi”, anh Võ Đức Thương (30 tuổi), gọi bà Bê bằng cô ruột nói.