Trừng phạt cô giáo bạo hành chỉ giải quyết bề nổi

TP - Trong mắt các chuyên gia tâm lý, với “bạo hành học đường” đối tượng cần hỗ trợ ở đây không chỉ là học sinh.  
TS Lê Nguyên Phương trong buổi ra mắt cuốn sách “Dạy con trong hoang mang”

Từ vụ “231 cái tát”, đa số ý kiến phản đối từ cộng đồng đều hướng vào cô giáo và bệnh thành tích ngành giáo dục. Thái độ thương xót bênh vực trẻ bị bạo hành và bị xúi bạo hành hầu như được thể hiện một cách cực đoan, không phương cách tháo gỡ.

Trong khi cộng đồng sôi sục đợi xem cô giáo Quảng Bình phạt học sinh 231 cái tát và hiệu trưởng tìm cách bao che bị lĩnh hậu quả nặng đến đâu, có một số chuyên gia tâm lý quan tâm đến tâm trạng của những đứa trẻ bị bạo hành, mong muốn tìm nguyên nhân gốc. Theo Thạc sĩ Tâm Lý Lâm Sàng (Công ty Tâm Lý Trẻ) Võ Thị Minh Huệ, nạn bạo hành trẻ sẽ không bao giờ dừng nếu có một số lớn đáng kể phụ huynh thế hệ nối tiếp từng bị ăn chửi, ăn tát, ăn đòn hồi nhỏ. Những đứa trẻ bị tát hôm nay có nguy cơ thành phụ huynh, giáo viên bạo hành trong tương lai.

Phần lớn các chuyên gia tâm lý cũng nhìn nhận việc trừng phạt cô giáo bạo hành chỉ giải quyết bề nổi của vấn đề.

“Con sẽ đốt trường”

Từng điều trị cho hàng trăm trẻ em gặp vấn đề về tâm lý trong đó có nhiều trẻ do bị bạo hành, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho biết “bạo lực sẽ sinh ra “bạo lực ở cấp độ tăng hơn””.

Chuyên gia này kể về một trường hợp: Một đứa trẻ 6 tuổi bị bố đánh từ nhỏ nên giờ nó sẵn sàng thách thức bố bằng những hành vi: phun nước bọt vào mặt bố, công khai đánh đứa em 2 tuổi rất đau để bố xông vào đánh mình. Bạn ấy không khóc, không chống cự, sẵn sàng tuyên chiến tiếp. Bạn ấy dìm con chó con xuống nước để cho chó chết và nói to “cho chết đi để không còn ai ôm được mày nữa”. Bạn ấy thường xuyên tự đánh đấm làm đau mình. Ở trường bạn ấy bị cô giáo tố cáo vì đánh bạn. Nhưng bạn ấy bảo bạn ấy bị bạn đánh hội đồng. Khi được hỏi: “Có cách nào để thoát không?” thì bạn ấy nói: Con sẽ ị vào cái bịch và mang đến trường bắt chúng nó ăn. Chúng nó đứa nào cũng sợ ăn thứ đó!”.

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cùng trẻ tập yoga cân bằng tâm lý

Suy nghĩ đáng sợ nhất là “con sẽ giết hết mọi người rồi con sẽ chết vì tất cả đều phải chết”. “Con sẽ đốt trường để chúng nó chết hết và không còn đánh con”.

Là tác giả của 5 cuốn sách về tâm lý trẻ các lứa tuổi, Ths Minh Huệ cho biết, những đứa trẻ bị bạo hành sẽ có suy nghĩ bạo lực và có thể rối loạn hành vi. Lớn lên chúng có thể trở thành người có rối loạn hành vi, thách thức chống đối. Đừng nghĩ đơn giản bọn trẻ con hay nhớ nhưng mau quên. Sai khi nghĩ những đứa trẻ có lỗi thì phạt bằng bạo lực và chúng sẽ sửa lỗi. Trường hợp này cần trị liệu gia đình, lấy lại niềm tin và tình yêu của đứa trẻ không phải dễ.

Trên nhiều diễn đàn, cộng đồng cũng ghi nhận rằng “nhiều phụ huynh thuộc tầng lớp trí thức cũng đánh con như “kẻ thù”; “các bố mẹ đánh con bầm giập thì được, người khác đánh con họ thì họ lập tức nhảy ra đánh lại”; “các ông bố chứng tỏ “nam tính” bằng cách dạy đòn hiểm để con đáp trả lại kẻ bắt nạt”.

Ở một số nước phát triển, đọc hồ sơ người xin việc có chi tiết “từng là nạn nhân của bạo hành ”, nhà tuyển dụng sẽ cảnh giác và cân nhắc . Họ hiểu “những người từng bị bạo hành sẽ có nguy cơ trở thành “kẻ bạo hành”. Trong hàng loạt bài báo về  vụ “231 cái tát”, số đông mới tìm ra lý do “cô giáo bị áp lực thành tích lớp điểm, trường điểm”, hầu như chưa thấy nói đến việc cần kiểm tra xem cô có từng là nạn nhân bị bạo hành về thể xác hoặc tinh thần hay không.

Trong hệ thống, chẳng ai không liên quan

Qua nhiều năm tư vấn, điều trị tâm lý cho trẻ từ mẫu giáo đến học sinh cấp 3 chuyên gia Minh Huệ nhận thấy các em học trường công chịu nhiều áp lực hơn trường tư. Điểm số, số lượng giờ học, môn học nhàm chán, đối phó với bạn học là những nguyên nhân khiến nhiều em bị stress, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi. Tuy nhiên, thay cho can thiệp tích cực, nhiều phụ huynh bế tắc trong cách dạy con (trẻ đe dọa bị đuổi học) đã đưa con đến phòng khám tâm lý để xin giấy chứng nhận tình trạng sức khoẻ tâm lý có vấn đề (Rối loạn khả năng học tập, khả năng thích nghi…). Có giấy này, đứa trẻ được dán mác “an toàn”. Phụ huynh, cô giáo, nhà trường thoát khỏi trách nhiệm dạy dỗ. Thực chất, đây là hành vi bỏ mặc đứa trẻ.

Võ Thị Minh Huệ dạy trẻ cách điều chỉnh tâm lý
Một số lượng đáng kể giáo viên (đa số dạy mẫu giáo, tiểu học, cấp 2) cũng đến nhờ tư vấn trị liệu bằng thiền và yoga. Hầu hết họ đều chịu áp lực trong việc dạy trẻ nhà khác lẫn trẻ nhà mình. Ở trường họ là giáo viên căng thẳng với thành tích điểm số, khi về nhà họ là phụ huynh bất lực trước những đứa con lười học, khó bảo, nổi loạn.

Không ít phụ huynh đùn trách nhiệm dạy con cho nhà trường, bản thân họ không nhìn ra “giai đoạn khó bảo” của trẻ chỉ là tạm thời. Cô giáo cũng mặc định cho trẻ đó vào “danh sách đen”, “nó tự cảm thấy như một “của nợ” và phản ứng đúng như “nhãn mác” bị đóng vào”.  Theo chuyên gia tâm lý Minh Huệ, học sinh, giáo viên, nhà trường, phụ huynh cần phải kết nối, đồng tâm hợp lực. Trong vụ việc “231” và một số vụ “bạo hành học sinh” gần đây cộng đồng (đại diện các phụ huynh) chỉ lên án cô giáo và nhà trường và nghĩ mình vô can là thiếu lý trí.

Trên trang cá nhân, Tiến sĩ Tâm lý Lê Nguyên Phương, tác giả bộ sách “Dạy con trong hoang mang” bày tỏ quan điểm: Người lãnh đạo, dù chỉ là hiệu trưởng một trường tiểu học, nên có cái nhìn chiến lược. Biến cố này là một cơ hội để thay đổi nhân sự, hệ thống, phương pháp giảng dạy, kỷ luật học sinh, quản lý và đánh giá nhân sự. “Phụ huynh, giáo viên, và học sinh của trường nên xem đây là cơ hội để xây dựng kế hoạch và phối hợp hành động để thay đổi ngôi trường này”.

Theo quan điểm của TS. Phương, vụ này cần được xem như một ca kinh điển của “can thiệp khủng hoảng” trong giáo trình tâm lý học đường và cần được sự hỗ trợ của chuyên viên tâm lý. TS Nguyên Phương đề đạt mong muốn nhờ người kết nối thông qua Sở giáo dục Quảng Bình tạo điều kiện để ông (cùng các đồng nghiệp thì càng tốt) được tham vấn cho các em học sinh liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên sau hai ngày chờ đợi, TS Phương cho biết, nhiều người cũng có nguyện vọng giống như ông đều thất bại.

Trong bài báo vừa mới đây TS Lê Nguyên Phương tiếp tục nhấn mạnh quan điểm: Việc này đòi hỏi việc thay đổi hệ thống và triết lý giáo dục lẫn sự chuyển hóa ở mỗi cá nhân chúng ta. Con đường tiến đến văn minh, nơi trí tuệ và tình thương làm chủ, đòi hỏi chúng ta chịu trách nhiệm như một chủ thể tự do. Chỉ có những con người tự do mới giáo dục được một thế hệ tự do đứng ra gánh vác việc bảo vệ quốc gia và xây dựng xã hội.

Ở một số nước phát triển, đọc hồ sơ người xin việc có chi tiết “từng là nạn nhân của bạo hành ”, nhà tuyển dụng sẽ cảnh giác và cân nhắc . Họ hiểu “những người từng bị bạo hành sẽ có nguy cơ trở thành “kẻ bạo hành”.

Theo quan điểm của TS. Lê Nguyên Phương, vụ này cần được xem như một ca kinh điển của “can thiệp khủng hoảng” trong giáo trình tâm lý học đường và cần được sự hỗ trợ của chuyên viên tâm lý.