Cặp song ca Trọng Tấn - Anh Thơ chiếm lĩnh dòng nhạc cách mạng và giành được cảm tình của đông đảo khán giả hơn 20 năm nay. Cả hai đã một vài lần thử lấn sân sang các dòng nhạc khác. Và lần này với sự thúc đẩy của giám đốc âm nhạc Dương Cầm, họ đã có những bước đột phá đáng kể.
Phần đầu chương trình với những bài hát đi vào tâm khảm của lứa tuổi U60 trở về trước như Trên công trường rộn tiếng ca, Tình ta biển bạc đồng xanh, Đường bốn mùa xuân... lập tức đưa khán phòng vào không khí rộn rã của một thời hăng hái thi đua kiến thiết. Khán giả không chỉ đợi hết bài mới vỗ tay, khi nào ca sĩ hát một câu mà họ cảm thấy đã, những tráng pháo tay lại rộ lên. Một số khán giả lớn tuổi say sưa hát theo.
Nói Trọng Tấn - Anh Thơ làm sống lại nhạc đỏ chưa đủ mà chính họ cũng sống trong những bài hát đó, biến chúng thành máu thịt. Chính vì thế khán giả cũng được sống lại những ký ức chưa xa của một thời được ghi dấu trong những bài nhạc đỏ.
Những bản phối của Dương Cầm mang phong cách nhạc phim với tính gợi hình cao như vẽ ra một thế giới lý tưởng với những con người hăng say, đầy nhiệt huyết. Đây là cách thể hiện khá mới mẻ song lại phù hợp vì đúng với bản chất của dòng nhạc đỏ vốn đậm màu sắc lạc quan, hướng thượng.
Về sau Dương Cầm còn đi xa hơn, pha cả jazz thậm chí cả "nhạc sàn" vào những bài hát quen thuộc như Áo lụa Hà Đông hay Gửi em ở cuối sông Hồng. Cặp song ca nhạc đỏ trở nên tình tứ và đầy day dứt khi làm mới Cả một trời thương nhớ - vốn là hit của Hồ Ngọc Hà và Noo Phước Thịnh.
Mặc dù là cặp song ca ăn ý song Trọng Tấn và Anh Thơ vẫn thể hiện cá tính riêng khá rõ nét. Tấn hát chắc chắn, điềm đạm, thể hiện kỹ thuật ở những chỗ đắc địa, còn lại anh thủ thỉ nhẹ nhàng như ru khán giả.
Anh Thơ thể hiện làn hơi dồi dào và hay có xu hướng bung phá. Tuy nhiên chị cũng cho thấy sự tiết chế nhất định khi trình diễn Tay trái chỉ trăng (nhạc phim Trung Quốc) theo phong cách riêng. Bài hát với những nốt cao chói vói này không có gì quá thách thức đối với Anh Thơ. Bởi dù có hát dân ca Anh Thơ cũng vẫn là một giọng thính phòng chuẩn chỉ. Chính việc hát dân gian theo kiểu thính phòng đã làm nên phong cách riêng có.
Ngay sau đó khán giả được chứng kiến một Anh Thơ nhẹ nhõm, ngọt ngào khi kể Chuyện tình thảo nguyên (Trần Tiến). Đây hoàn toàn là những hướng đi khả thi của “diva nhạc đỏ” trong tương lai.
Trọng Tấn trẻ trung, duyên dáng bất ngờ khi cùng con trai Tấn Đạt hát Em đã thấy mùa xuân chưa (Quốc Dũng) và Hẹn một mai (Nguyễn Duy Anh). Tấn Đạt đang cùng lúc học hệ đại học Thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia và khoa Âm nhạc ứng dụng tại trường ĐH Thăng Long.
Mặc dù trình diễn cạnh bố và cũng là thầy dạy của mình, Đạt vẫn cho thấy bản lĩnh và sự phối diễn ăn ý khi hát bè cao cho bố. Hai tiết mục song ca của Trọng Tấn và Tấn Đạt vì thế đem lại sự thú vị cho khán giả chứ không dừng lại ở việc bố lăng xê con.
Đêm nhạc còn cho thấy giọng Trọng Tấn rất lý tưởng để hát nhạc Phạm Duy, khi anh kết hợp được nhuần nhuyễn cả kỹ thuật thanh nhạc Tây phương với lối hát dân gian. Trong đêm nhạc, vài lần Trọng Tấn cất giọng hò "mía lùi" và lần nào cũng được khán giả vỗ tay hưởng ứng.
Đêm nhạc hoàn toàn có thể khép lại với Bài ca trên núi - Chiếc khăn Piêu (Nguyễn Văn Thương - Doãn Nho) nhưng các nghệ sĩ đi xa hơn đến với Tình hoài hương - Tình ca (Phạm Duy). Điều này làm nên phần vĩ thanh thể hiện đầy đủ vẻ đẹp của hai giọng thính phòng - dân gian đang ở độ chín muồi.