Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) mới đây đưa tin, Cục Tem Nhà nước CHDCND Triều Tiên mới phát hành các mẫu tem mới, đánh dấu sự ra mắt của Hwasong-15. Trước đó, hồi cuối tháng 11, Bình Nhưỡng đã phóng ICBM mới này xuống biển Nhật Bản. Chính quyền Kim Jong-un tuyên bố, tên lửa này đạt tới độ cao 4.475km và bay được 950 km trong suốt quá trình, kéo dài 53 phút.
Loạt tem mới có in hình Hwasong-15 “bay lên trời”, cũng như hình máy phóng tự động 9 trục “do tầng lớp lao động Triều Tiên chế tạo”, trích thông báo của KCNA. Ngoài ra, hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát quá trình thử nghiệm cũng được in thành tem.
Ngoài ra, trên các ấn phẩm tem có in các dòng chữ “Hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong việc hoàn thiện lực lượng hạt nhân nhà nước” và “Thử nghiệm thành công loại ICBM mới Hwasong-15”.
Chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố, Hwasong-15 có khả năng “thổi bay” bất cứ nơi nào trên lục địa Mỹ. Việc hoàn thiện công nghệ, như Triều Tiên khẳng định, là một bước đột phá lớn làm chệch sự cân bằng quyền lực trên Bán đảo Triều Tiên, có khả năng giúp Bình Nhưỡng tạo ra cơ chế ngăn chặn hạt nhân chống lại Washington.
Sự kiện trên rõ ràng đã gây nhiều ngạc nhiên cho những người theo dõi các hoạt động của Triều Tiên, với đánh giá Bình Nhưỡng chỉ đạt đến mục tiêu này sau năm 2020. Trong năm 2017, quốc gia bị cô lập này đã phóng các loại tên lửa khác, gồm ICBM tầm xa Hwasong-14 và ICBM tầm trung Hwasong-12.
Các cường quốc hàng đầu thế giới, bao gồm cả Nga, đều lên án việc phóng Hwasong-15. Phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi đó là “hành động khiêu khích” gây ra sự leo thang căng thẳng tiếp diễn và đẩy Nga ra khỏi hiện trạng giải quyết khủng hoảng.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo, vụ thử nghiệm tên lửa là “một tình huống mà chúng tôi sẽ xử lý”, và nó sẽ không thay đổi cách tiếp cận của ông đối với cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên.
Thông điệp trên khiến Moscow tỏ ra quan ngại, khi Washington sử dụng lời lẽ mang tính thù hận đối với Bình Nhưỡng.
Nga cho rằng, hai bên nên nhượng bộ, Mỹ nên đình chỉ các cuộc tập trận ở khu vực và Bắc Triều Tiên ngừng các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, để xây dựng lòng tin, cho phép đàm phán trực tiếp bắt đầu.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa hồi cuối tháng 11. Nghị quyết bãi bỏ gần 90% sản phẩm dầu tinh chế vào Bình Nhưỡng.
Mới đây, rộ lên các cáo buộc Trung Quốc và Nga vi phạm nghị quyết của LHQ, lén giao dịch xăng dầu với Triều Tiên. Đại diện Bắc Kinh và Moscow phủ nhận các cáo buộc này.