Ông Kim cho phép dỡ bỏ các biện pháp chống dịch từ tháng 5, nhưng chỉ đạo phải duy trì “hàng rào chống dịch mạnh như thép và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho đến khi kết thúc cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu”, KCNA đưa tin.
Triều Tiên chưa bao giờ xác nhận số ca mắc COVID-19, một phần có thể do nước này thiếu năng lực xét nghiệm. Thay vào đó, Triều Tiên công bố số bệnh nhân bị sốt, với tổng số khoảng 4,77 triệu, nhưng cho biết không có ca sốt mới nào kể từ ngày 29/7.
Bà Kim Yo Jong, em gái ông Kim, thông báo nhà lãnh đạo này cũng đã trải qua các triệu chứng sốt, cho thấy ông có thể đã mắc COVID-19.
“Dù ông ấy bị ốm nặng vì sốt cao, ông ấy không thể nằm nghỉ một phút nào mà không nghĩ về những người dân mà ông ấy phải quan tâm cho đến khi chấm dứt cuộc chiến chống đại dịch”, bà Kim Yo Jong đề cập trong bài phát biểu tại cuộc họp ngày 10/8 để đánh giá công tác công dịch của cả nước.
Bà Kim Yo Jong không cho biết cụ thể tình hình sức khoẻ của ông Kim, nhưng cho rằng những tờ rơi từ Hàn Quốc ở biên giới là nguyên nhân gây ra đợt dịch vừa qua.
Trong nhiều năm qua, những người đào tẩu khỏi Triều Tiên và các nhà hoạt động thường thả bóng bay mang theo tờ rơi sang Triều Tiên, cùng với thuốc, thực phẩm, tiền và những vật dụng khác.
Bà Kim Yo Jong chỉ trích chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vì đã dỡ bỏ lệnh cấm thả truyền đơn, gọi đó là “kẻ thù bất chính biến”.
“Chúng ta không thể bỏ qua dòng rác liên tục từ Hàn Quốc. Biện pháp trả đũa của chúng ta phải là đòn chết người”, bà Kim tuyên bố.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc bày tỏ lấy làm tiếc khi Triều Tiên cho rằng truyền đơn từ những người đào tẩu là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát và lời đe doạ từ Bình Nhưỡng, Yonhap đưa tin.
Giới phân tích cho rằng việc tuyên bố kết thúc đại dịch có thể để khôi phục thương mại và dỡ bỏ các hạn chế khác.
Giới quan sát cũng cho rằng bước đi này có thể dọn đường để Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017.