Cả thế giới cần nhớ kỹ rằng chính Mỹ tuyên chiến với chúng tôi trước”, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho nói với các phóng viên tại New York hôm 25/9, nơi ông đang dự kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. “Vì Mỹ tuyên chiến với chúng tôi, chúng tôi sẽ có mọi quyền đáp trả, trong đó có quyền bắn hạ máy bay ném bom chiến lược của Mỹ ngay cả khi chúng không đi vào không phận của chúng tôi”, ông Ri nói. Ông ngụ ý thông điệp trên Twitter của ông Trump hôm 23/9: “Vừa nghe Ngoại trưởng Triều Tiên phát biểu tại Liên Hợp Quốc. Nếu ông ta nhắc lại suy nghĩ của “Người tên lửa nhỏ”, họ sẽ không ở đây mấy nữa”.
Có thể Bình Nhưỡng coi việc các máy bay ném bom Mỹ lượn gần bán đảo Triều Tiên gần đây là hành động dạo đầu cho khả năng tấn công phủ đầu. Trên thực tế, cuối tuần qua, Mỹ đưa các máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer đến vùng biển quốc tế ở phía đông Triều Tiên. “Đây là vùng xa nhất về phía bắc khu vực phi quân sự mà các máy bay chiến đấu hay máy bay ném bom của Mỹ từng bay đến trong thế kỷ 21, cho thấy chúng ta coi hành vi liều lĩnh của Triều Tiên nghiêm trọng như thế nào”, nữ phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White tuyên bố. “Sứ mệnh này thể hiện quyết tâm của Mỹ và là thông điệp rõ ràng rằng Tổng thống có nhiều lựa chọn quân sự để đánh bại bất kỳ mối đe dọa nào. Chương trình vũ khí của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cả cộng đồng quốc tế. Chúng tôi đã chuẩn bị để sử dụng toàn bộ năng lực quân sự nhằm bảo vệ Mỹ và các đồng minh của chúng tôi”, bà White nói.
Nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng kiên quyết khẳng định đoạn tweet của ông Trump không phải lời tuyên chiến. “Chúng tôi chưa tuyên chiến với Triều Tiên”, Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói với các phóng viên hôm 25/9. “Rõ ràng ý đó là vô lý”, bà Sanders nói.
Tuy nhiên, tuyên bố của ông Trump dường như đang được coi là nghiêm trọng ở Bình Nhưỡng và có khả năng chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ bắn hạ một máy bay chiến lược hoặc một máy bay do thám của Mỹ, tạp chí Mỹ National Interest nhận định. Giới chuyên gia cho rằng, Triều Tiên có rất ít phương tiện có thể làm được điều này. Không quân Triều Tiên chỉ có một số ít máy bay chiến đấu tương đối hiện đại, trong đó có những phiên bản đời đầu của Mikoyan MiG-29 Fulcrum và MiG-23 Glogger của Liên Xô có thể đe dọa máy bay chiến đấu của Mỹ. Cả hai loại máy bay này đều không có khả năng tiếp cận đủ gần các loại máy bay B-1B, B-52 hay máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Mỹ trước khi bị các máy bay chiến đấu hộ tống tấn công. Cơ hội duy nhất không quân Triều Tiên có thể tiếp cận máy bay ném bom Mỹ là khi không có máy bay tiêm kích của Mỹ hoặc đồng minh hộ tống.
Hệ thống phòng không nội địa
Nhưng Triều Tiên có cơ hội bắn hạ máy bay ném bom của Mỹ bằng bệ phóng tên lửa đất đối không nếu máy bay Mỹ bay đủ gần. Trong khi phần lớn vũ khí của không quân Triều Tiên đều đã cũ, Bình Nhưỡng đã tự chế tạo được một số vũ khí mạnh đáng ngạc nhiên, giới phân tích nhận định.
“Họ có các tên lửa đất đối không thời Liên Xô, trong đó có S-75, S-125, S-200 và Kvadrat, có thể vẫn hoạt động tốt”, ông Vasily Kashin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu và quốc tế ở Mátxcơva, nói. “Họ đã tự sản xuất S-75 và loại tên lửa này có thể đã được nâng cấp đáng kể. Ngoài ra, vào đầu năm 2010, họ sản xuất được hệ thống tên lửa đất đối không nội địa hiện đại mà Mỹ và Hàn Quốc gọi là KN-06”, ông Kashin nói. Không rõ Bình Nhưỡng đã sản xuất được bao nhiêu hệ thống KN-06, nhưng loại vũ khí của Triều Tiên được đánh giá là giống đời đầu của hệ thống phòng không S-300 của Nga.
Là chuyên gia về các vấn đề châu Á, ông Kashin nói các nguồn tin từ Hàn Quốc cho rằng KN-06 đã được thử nghiệm thành công. Vũ khí này được cho là có tầm xa lên đến 150km. Một trong những lý do KN-06 bị phớt lờ là vì các nhà phân tích phương Tây thường đánh giá thấp năng lực công nghiệp của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên từng bắn hạ máy bay quân sự Mỹ. Ngày 15/4/1969 (dưới thời chính quyền Nixon), máy bay do thám EC-121 Warning Star của Hải quân Mỹ bị bắn hạ, khiến 31 thành viên trên máy bay thiệt mạng. Tổng thống Mỹ Richard Nixon hồi đó không trả đũa nhưng từng cân nhắc biện pháp tấn công Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân. Ngày 18/12/1994, Triều Tiên bắn hạ một trực thăng do thám OH-58 Kiowa của Mỹ ở khu vực phi quân sự, khiến một phi công thiệt mạng, một người khác bị bắt. Nhận thấy không có biện pháp đáp trả phù hợp, chính quyền Clinton hồi đó chọn cách kiềm chế.
Triều Tiên không chỉ tấn công máy bay mà cả tàu của Mỹ. Ngày 23/1/1968, Triều Tiên tịch thu tàu giám sát USS Pueblo của Mỹ, một thủy thủ thiệt mạng và 83 người khác bị bắt. Con tàu này đến nay vẫn trong tay Triều Tiên nhưng thủy thủ đoàn đã được thả vào cuối năm đó. Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson hồi đó cũng cân nhắc nhiều biện pháp đáp trả, bao gồm khả năng tấn công bằng vũ khí hạt nhân, nhưng cuối cùng “xuống nước”.
Không rõ chính quyền Mỹ hiện nay sẽ phản ứng như thế nào trong những hoàn cảnh tương tự, nhưng tình hình có vẻ ngày càng mất ổn định hơn, giới quan sát nhận định.
Kêu gọi giảm căng thẳng
Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa ngày 26/9 cho rằng, tình hình xung quanh Triều Tiên hiện nay “rất nguy hiểm”, các bên cần nỗ lực giảm căng thẳng, ngăn tình hình trở nên phức tạp, không để xung đột quân sự xảy ra, giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, Kyodo đưa tin. Đại sứ Trung Quốc đề xuất Triều Tiên dừng hoạt động hạt nhân, tên lửa; Mỹ và Hàn Quốc dừng tập trận chung. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố, sẽ không ai thắng cuộc nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, Reuters đưa tin ngày 26/9. Trung Quốc cũng phản đối sự leo thang trong khẩu chiến giữa Triều Tiên và Mỹ.