Triệu phú nhà nông

TP - Sau 8 năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, không đầu hàng trước thất bại, đến nay anh Chử Văn Mạnh, Phó Bí thư Đoàn xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản (Nam Định) đã gây dựng được trang trại theo mô hình vườn ao chuồng - VAC “hoành tráng” nhất xã, mỗi năm cho thu lãi từ 200 đến 300 triệu đồng.

> Chàng sinh viên kiêm triệu phú trang trại
> Có 2 bằng ĐH vẫn làm nông, mỗi tháng thu 50 triệu

Xây trang trại hoành tráng nhất xã

Câu chuyện của chúng tôi với anh Mạnh trong cái “chòi” đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt của một gia đình: giường, quạt, ti vi, nồi cơm điện…, phải dừng liên tục vì anh bận nghe điện thoại. Ngắt chừng giữa câu chuyện, anh cười ngại ngùng: “Người ta gọi điện đặt mua gà, vịt, cá mắm đấy. Thỉnh thoảng tôi còn nhận được cả những cuộc điện thoại của những người không quen hỏi về kỹ thuật nuôi cá giống, cách phòng trừ bệnh trên đàn gà, vịt, lợn ra sao”. Sau 8 năm vừa làm vừa lần mò học hỏi, rút kinh nghiệm, hiện anh Mạnh đã xây dựng được 1 trang trại rộng 12.000m2 theo mô hình kết hợp.

Năm 2005, trên diện tích đất còn hoang sơ, nằm cách biệt làng xóm, cỏ năn, cỏ lác mọc đầy, anh thuê người đào ao, hút bùn, đổ tấm kè chia ao nuôi cá. Những ngày đầu ra cánh đồng vắng vẻ, đồng trắng, nước trong nhiều người không khỏi ái ngại thay cho anh. Có người còn nói với vợ chồng anh giọng thách thức, chắc gì đã được ba bẩy hai mốt ngày.

Bỏ ngoài tai, anh kiên trì theo đuổi mục tiêu lớn của đời mình. Theo tính toán của anh, phải “khép kín” quy trình nuôi cá thì mới cho hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy anh đào thành 3 ao nuôi: 1 ao thả cá giống, 1 ao thả cá choai (cá lỡ), 1 ao thả các loại cá thịt trưởng thành như trắm, chép, trôi, mè... Mỗi năm, riêng lượng cá thịt anh xuất bán khoảng 4 - 5 tấn.

Có tiền bán cá, anh Mạnh đầu tư vốn để xây dựng hệ thống chuồng gà nuôi gà thịt. Với 3 chuồng gà liên hoàn, mỗi chuồng rộng 50m2, sức chứa 1.500 con gà, hiện anh Mạnh có 5.000 con gà thịt. Tận dụng diện tích mặt nước ao, anh nuôi thêm 3.000 con vịt. Trên bờ anh kết hợp trồng chuối, cây xanh, cây ăn quả như na, nhãn… làm thức ăn, chỗ trú ngụ, nghỉ ngơi cho gà, vịt hàng ngày.

Ngoài ao nuôi cá, vịt, gà, anh Mạnh còn xây thêm chuồng trại để nuôi lợn. Trang trại của anh hiện có 200 con lợn thịt. Để phục vụ nhu cầu chăn nuôi, gia đình anh cũng cấy thêm 1,2 mẫu ruộng, mở đại lý cám chăn nuôi Mạnh Huyền. Cuối năm nay, anh dự định sẽ trồng, nuôi thêm một số cây, con mới như chim bồ câu, cây ăn quả, gia cố lại hệ thống thoát nước tại các ao nuôi cá, tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, khuôn viên trang trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào một số khâu trong chăn nuôi, sản xuất.

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

Anh Mạnh cho biết: “Những năm đầu khi mới mở trang trại, vợ chồng tôi gặp vô vàn những khó khăn, nguồn vốn hạn hẹp, kĩ thuật chưa có”. Hạ quyết tâm, vợ chồng anh quyết định vay Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng làm vốn. Vay được tiền, anh bắt tay xây dựng ngay hệ thống trang trại và đưa vào nuôi một số gia súc, thủy cầm. Nhưng ông trời nhiều khi cũng muốn thử sức người, xây dựng xong chuồng trại đưa gà vịt vào nuôi thì mấy năm liền gà, vịt gặp dịch cúm khiến gia đình anh thiệt hại hàng chục triệu đồng, bao nhiêu vốn liếng đầu tư mất trắng. Không nản chí, vợ chồng anh động viên nhau: trời không phụ công người nghèo khó, chăm chỉ, phải làm lại từ đầu.

Anh Mạnh xác định, chăn nuôi thất bại phần lớn do thiếu kiến thức, hiểu biết. Anh lao vào học, tích cực xem, đọc tất cả những kiến thức sản xuất từ sách báo, ti vi. Nghe nói trong xã ngoài huyện có mô hình VAC nào hay, tiêu biểu là anh không quản ngại đường sá đến tận nơi tìm hiểu.

Đi nhiều, được mở mang thêm nhiều kiến thức, anh luôn tự hỏi, tại sao cũng làm như mình, cũng nuôi con giống như mình họ lại thành công? Trên cơ sở đó, anh đã tổ chức lại mô hình trang trại khoa học hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn theo mô hình cá - lúa - gia cầm kết hợp.

Quá trình tổ chức sản xuất, bài học anh Mạnh nhận ra, khâu quan trọng trong chăn nuôi là phải làm tốt công tác vệ sinh phòng bệnh cho gia súc, thủy cầm. Định kỳ theo tháng, anh phun thuốc khử trùng sạch sẽ cho chuồng trại, giữ cho môi trường chăn nuôi thông thoáng. Đối với cá, hệ thống thoát nước đóng vai trò thứ yếu.

Các biện pháp chữa bệnh cũng được tiến hành theo quy trình hướng dẫn của cán bộ thú y. Chính vì thế, vài năm trở lại đây, anh Mạnh đã hạn chế được tối đa rủi ro do dịch bệnh gây ra trên đàn gia cầm. Hai năm trở lại đây khi gà, vịt, lợn của nhiều hộ nuôi trong địa phương gặp dịch, con nuôi của trang trại anh vẫn miễn dịch.

Năng động, dám nghĩ dám làm, từ một thanh niên tay trắng anh Mạnh đã vươn lên thành triệu phú nhà nông, làm chủ đồng đất, làm giàu cho quê hương, đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Mỗi năm, trừ chi phí trang trại của anh cho thu nhập 200 đến 300 triệu đồng/năm. Vào mỗi mùa thu hoạch cá, anh còn tạo việc làm thời vụ cho 4 – 5 thanh niên trong xã.
Theo Báo giấy