Ba lần lượn triển lãm, tôi ước lượng mỗi ngày có khoảng ba trăm người. Cộng lại 14 ngày, trừ khai mạc thì ước có bốn ngàn lượt người, trong đó sinh viên mỹ thuật, họa sĩ có người đến hai ba lần, còn khá nhiều người ngẫu nhiên đi qua tạt vào. Có phải tuyên truyền ít, hay truyền hình giờ mỗi phút phát sóng đều đòi tiền quảng cáo cao?
Năm 1985 tôi dự trại sáng tác ở Karaxnoida, Liên xô. Trại có 13 thành viên của 13 quốc gia trong khối XHCN. Sau một tháng sáng tác, triển lãm chừng một trăm tranh tại nơi khá xa trung tâm thành phố. Ai đi Liên xô đều biết họ đất rộng người thưa. Triển lãm nghệ thuật ở nơi như vậy thì liệu có ma nào đến.
Tôi đã bất ngờ. Triển lãm diễn ra 3 ngày người ăm ắp. Mỗi ngày mười mấy chiếc Karosa chở học sinh, nông trang viên các vùng lân cận đến. Em nhỏ có cô giáo dắt theo; học sinh trung học, sinh viên, các bà mẹ, các nông trang viên, trí thức đều hào hứng đến.
Ba ngày, các họa sĩ tiếp xúc người xem để trả lời những vấn đề nghệ thuật. Các cháu học sinh bám các họa sĩ hỏi tại sao vẽ thế. Họ khen tranh này hay, tranh kia không hiểu vẽ gì và đòi giải thích, cởi mở lắm. Có cả một góc vẽ kí họa chân dung khán giả, hoặc cho chữ kí kỉ niệm. Họa sĩ vui vì được tiếp xúc với người yêu nghệ thuật. Ba ngày cả vạn người đắm mình trong không khí nghệ thuật.
Triển lãm ở Liên xô lúc đó rõ ràng là một sinh hoạt nghệ thuật quần chúng, gặp gỡ trao đổi, thưởng thức và cơ hội để nâng cấp kiến thức. Trại sáng tác của họ không chỉ lúi húi mấy người trong nghề. Trại ngoài mục đích giao lưu còn truyền bá nghệ thuật. Đến triển lãm như đến lớp học ngắn bổ túc kiến thức.
Chúng ta hoạt động nghệ thuật chỉ là việc của mấy anh trong nghề. Không lạ khi nhiều trí thức và người dân không phân biệt được sơn mài với sơn dầu, không hiểu đồ họa, thế nào là tranh lụa hay giấy dó, không hiểu trừu tượng, biểu hiện hay siêu thực. Đến xem, người trong nghề im lìm, người ngoài nghề thì lẳng lặng đơn côi, yêu thích hay không là theo bản năng, hiểu được đến đâu hay đến đấy.
Lầm lẫn tác phẩm nghệ thuật với mỹ nghệ. Vì thiếu trao đổi, nhiều người dừng trước tranh như trước bức tường. Không hiểu nên chán, chẳng muốn tham gia. Sự không liên kết được xã hội khiến triển lãm nghệ thuật trở nên buồn tẻ. Đó là sự lãng phí rất lớn công sức, tiền tài của nhân dân.
Để hoạt động nghệ thuật lớn như triển lãm mỹ thuật toàn quốc thành ngày hội đông vui, không chỉ hưởng thụ mà còn nâng tầm văn hóa của người dân - có lẽ là điều cần nghĩ tới, dù cũng đã quá muộn mằn.