“Vừa trèo lên chiếc thang được một đoạn, tôi bị trượt, rớt xuống đất, ngất xỉu, nằm cả giờ mới tỉnh lại, lê người tìm điện thoại gọi người nhà đưa đi cấp cứu”, chị Lý Thị Thu Nguyên (xã Đức Hòa, huyện Đắk Song, Đắk Nông) vừa được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên phẫu thuật do bị tai nạn khi hái tiêu vào giữa tháng 4/2021, kể lại.
Nằm trên giường bệnh, chị Nguyên lo lắng việc gãy cột sống sẽ để lại di chứng. “Chỉ một chút sơ sẩy mà giờ tôi phải nằm đây”, chị Nguyên tâm sự và cho biết thêm, vì bảo hiểm y tế đã hết hạn từ lâu, chưa kịp mua lại nên gia đình phải lo gần 40 triệu đồng để phẫu thuật.
Cũng nằm điều trị tại bệnh viện vì bị ngã khi trèo thang hái tiêu, bà Lò Thị Mỵ (56 tuổi, ngụ xã Cư Knia, huyện Cư Jút, Đắk Nông) bần thần khi nhắc chuyện cũ. Bà Mỵ ngã từ độ cao khoảng 3m và bị thang đè lên nên vừa bị gãy cột sống vừa bị thương phần mềm. Sức khỏe đã yếu, tuổi cao lại gặp chấn thương nặng khiến bà Mỵ rất lo lắng về khả năng hồi phục sau tai nạn. “Tôi hái tiêu cả chục năm rồi, cũng có lần trượt thang té nhưng không bị nặng như thế này. Tính tôi cũng cẩn thận lắm nhưng giờ bị thế này không biết có đứng dậy được không. Nhà tôi khó khăn lắm, tôi không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình”, bà Mỵ rầu rĩ .
Theo thống kê của Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, chỉ trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, khoa tiếp nhận trên 120 ca tai nạn lao động do bị ngã khi trèo thang hái tiêu. Trong đó, có 44 ca nặng bị chấn thương cột sống phải phẫu thuật, nằm điều trị thời gian dài.
Mất mạng vì hái tiêu
Quá trưa, chị Nguyễn Thị Minh (thôn 5, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) vẫn cố hái cho xong trụ tiêu đang thu hoạch dang dở. Chị Minh cho biết, vườn có hơn 50 trụ tiêu. Chị huy động cả gia đình thu hoạch xong sớm để còn hái thuê cho các hộ khác. Mùa thu hoạch chỉ kéo dài 2-3 tháng, chị phải tranh thủ kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
"Bệnh nhân ngã khi hái tiêu nhập viện chủ yếu bị gãy cột sống, gãy xương gót, gãy phối hợp, có trường hợp bị gãy đứt tủy gây liệt hoàn toàn… Nhiều trường hợp là người đi hái thuê, không có bảo hiểm nên rất khó khăn, trong khi đó mỗi ca phẫu thuật cột sống dao động từ 40-50 triệu đồng. Do vậy, tôi khuyến cáo người dân nên mua bảo hiểm y tế và phải trang bị đồ bảo hộ lao động trong quá trình hái tiêu, kiểm tra thang thật kỹ trước khi hái để đảm bảo an toàn".
bác sĩ Huỳnh Như Đồng
Theo chị Minh, hái tiêu không quá vất vả, mỗi ngày kiếm được 200-220 nghìn đồng. Tuy vậy, việc này ít người làm vì sợ gặp tai nạn. Trước đây, tiêu được thả trên trụ chết (trụ đúc bằng xi măng, trụ gỗ…), chiều cao cố định từ 3-3,5m; bây giờ tiêu leo lên cây sống (muồng, trôm…) nên cao hơn, có trụ cao 8m. “Người hái phải đứng trên chiếc thang dài, ai sợ độ cao thì không làm được. Khi hái phải luôn cẩn thận, chẳng may bị sảy chân, rớt xuống là nguy. Cách tôi bảo vệ mạng sống của mình là đặt chiếc thang thật cố định, trụ nào cao thì thắt thêm chiếc dây cho chắc nhưng lắm lúc gió lớn, trụ cây đu đưa sợ lắm. Chỗ tôi nhiều người bị ngã rồi, cũng sợ nhưng không làm lấy gì ăn”, chị Minh nói.
Không riêng chị Minh, hàng nghìn người dân ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn đang đánh cược mạng sống của mình trên đọt tiêu để mưu sinh.
Anh Nguyễn Trung Hải, trưởng nhóm thiện nguyện trên địa bàn huyện Cư M’gar cho hay, quá trình kêu gọi cho các hoàn cảnh cần giúp đỡ, anh gặp nhiều trường hợp bị tai nạn khi hái tiêu, có người bị nặng, phải nằm một chỗ suốt đời. Những người may mắn đứng dậy được thì phải trải qua giai đoạn vật lý trị liệu, tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Trong khi đó, phần lớn, họ là trụ cột của gia đình, khi bị nạn, cuộc sống càng khốn khó hơn. Ngoài kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ vật chất, anh Hải cũng quan tâm đến vấn đề về tâm lý, giúp người bệnh kiên trì vượt qua khó khăn.
Anh Y Thói Teh (công an viên buôn Cuôr Tắk, xã Yang Tao, huyện Lắk, Đắk Lắk) cho hay, cách đây 2 tuần, trong buôn có 1 người tử vong do tai nạn khi hái tiêu. Đó là một phụ nữ người M’nông, 21 tuổi, có chồng và 1 đứa con nhỏ. Vì hoàn cảnh khó khăn, người phụ nữ này đi hái tiêu thuê được 3 tuần thì gặp nạn. Trước đó, 1 thanh niên trong buôn cũng ngã thang khi hái tiêu, bị gãy cột sống, đang điều trị tại nhà.
Theo bác sĩ Huỳnh Như Đồng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, số lượng người bị tai nạn lao động do hái tiêu năm nay tăng so với nhiều năm trước và hầu hết tai nạn đều không có trang bị đồ bảo hộ trong quá trình leo lên cao thu hoạch tiêu.