Trẻ sơ sinh tử vong ở Hà Tĩnh: Bác sỹ nói 'bất thường, 30 năm chưa từng thấy'

TPO - Bác sỹ dày dạn kinh nghiệm, 30 năm làm nghề nêu những dấu hiệu bất thường vụ trẻ sơ sinh tử vong với vết đứt trên cổ và nhấn mạnh 'trường hợp kéo thai bị rách toạc đầu là điều tôi chưa từng nghe đến trong suốt hơn 30 năm làm nghề'.
BV đa khoa Đức Thọ - Hà Tĩnh, nơi xảy ra vụ việc trẻ sơ sinh tử vong bất thường với vết đứt trên cổ.

Theo đó, khoảng 8h sáng ngày 30/6, sản phụ Nguyễn Thị Tình (SN 1982, trú xóm Làng Hội, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) có dấu hiệu chuyển dạ nên đưa đến bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ để thăm khám.

Thời điểm này, nhân viên y tế thông báo cổ tử cung đã mở 4 phân, tim thai và sức khỏe sản phụ hoàn toàn bình thường, chờ sinh thường.

Đến 18h30', sản phụ được đưa vào bàn đẻ thường. Tuy nhiên, đến 19h20' bác sĩ bất ngờ thông báo bé sơ sinh đã tử vong. Khi người nhà vào kiểm tra thì phát hiện bé sơ sinh có đứt dài ở cổ, bác sĩ đã tiến hành khâu 8 mũi.

Trả lời báo chí, bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, cho biết khoảng hơn 19h ngày 30/6, ông nhận được thông báo của ê-kíp đỡ đẻ về trường hợp sản nhi đầu đã ra ngoài nhưng thân và mông mắc kẹt trong mẹ nên tức tốc chạy lên.

Đến nơi, qua kiểm tra, bác sĩ Đức thấy đầu thai nhi trắng, có một số chỗ trượt da. “Lúc này, tôi dùng tay thử kéo thì em bé bị đứt cổ phải khâu 8 mũi nhưng thai nhi đã tử vong trước khi tôi dùng tay để kéo ra ngoài”, bác sĩ Đức nói.

Sáng 2/7, ông Phạm Hồng Cường, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, cũng cho rằng dựa vào kết quả chuyên môn ông nắm được, trẻ sơ sinh này đã chết lưu trước đó khoảng 2-3 ngày.

Bác sĩ Bùi Chí Thương, Bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM, khẳng định: “Nếu thai lưu, tất cả hệ mạch máu không thể hoạt động được. Do đó, tuyệt đối không thể nhầm lẫn tiếng động mạch thai nhi thành tiếng tim. Đây là điều cần khẳng định rõ”. Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, theo hộ sinh Hoàng Thị Trinh, trong quá trình chờ sinh, sản phụ Tình được thăm khám, nghe tim thai 3 lần. Cả ba lần tim thai đều đập bình thường, dao động từ 118-130 lần/phút.

Sau đó, hộ sinh này lại cho rằng đã nghe nhầm tiếng nhịp tim và động mạch của thai nhi dẫn đến nhận định sai về việc em bé còn sống trong bụng.

Nhận định về vấn đề này, bác sĩ Bùi Chí Thương, Bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM, khẳng định: “Nếu thai lưu, tất cả hệ mạch máu không thể hoạt động được. Do đó, tuyệt đối không thể nhầm lẫn tiếng động mạch thai nhi thành tiếng tim. Đây là điều cần khẳng định rõ”.

Theo chuyên gia này, nhân viên y tế chỉ có thể nhầm tiếng động mạch của người mẹ với tim thai. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm khi xảy ra, lỗi này thường do sự bất cẩn, nhầm lẫn của nhân viên y tế trong quá trình thăm khám.

Về vết khâu dài trên cổ trẻ sơ sinh, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ thừa nhận bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Sản, đã kéo đứt cổ trẻ sơ sinh và sau đó khâu lại.

Tuy nhiên, hai nữ hộ sinh Hoàng Thị Định và Hoàng Thị Trinh đã kéo em bé này trước nhưng không được nên gọi bác sĩ Đức.

Nhận định về vụ việc, bác sĩ Bùi Chí Thương cho biết nếu thai nhi còn sống, kể cả cân nặng trên 4 kg, cũng hiếm có thể xảy ra tình huống này.

Thực tế, theo bác sĩ này, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp tương tự. "Nếu thai sống, động tác phải quá mạnh, quá thô bạo thì mới có thể gây ra tình trạng đứt tới 8 vết khâu như vậy. Trong trường hợp thai đã chết lưu trước đó, các mô bở, mềm, nếu bác sĩ kéo đứt trẻ, cần sớm nhận lỗi với gia đình", bác sĩ Thương thông tin.

Công văn hỏa tốc của Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Tĩnh và Bệnh viện đa khoa Đức Thọ giải trình vụ việc bé sơ sinh tử vong với vết đứt trên cổ.

Trao đổi với phóng viên, nữ bác sĩ có kinh nghiệm làm việc trong ngành sản khoa hơn 30 năm đang công tác tại Hà Nội cho biết, sự việc này có rất nhiều điểm bất thường.

Vị bác sĩ cho hay, việc nghe nhầm tiếng động mạch tử cung thành tim thai chỉ xảy ra nhiều chục năm trước khi nghe bằng ống nghe gỗ, còn hiện tại BV tuyến huyện đã được trang bị các thiết bị khá đầy đủ và hiện đại, siêu âm tim thai bằng máy nên khả năng này gần như không có.

BS phân tích, trường hợp thai chết lưu, thai phụ vẫn có các dấu hiệu đau đẻ và chuyển dạ như bình thường. Tuy nhiên, nếu thai phụ theo dõi thai chặt chẽ sẽ thấy thai không đạp, nước ối rất đục và bẩn vì đào thải phân xu từ ngay khi suy thai. Do đó, bác sĩ chỉ cần quan sát nước ối cũng có thể phát hiện được bất thường.

“Phía BV giải thích, thai đã chết lưu 2-3 ngày nên khi lôi ra bị đứt, tuy nhiên để xác định chính xác, BV hoặc gia đình nên yêu cầu giám định tử thi, sẽ xác định được trẻ đã chết bao lâu. Một đứa trẻ đã chết lưu vài ngày khác hoàn toàn với đứa trẻ vừa tử vong”, vị bác sĩ đặt vấn đề.

Nữ bác sĩ cũng đặt giả thiết, nếu thai đã chết lưu, khi kéo ra đã đứt cổ, vậy tại sao lại cần phải khâu lại? Nếu trường hợp bị hoại tử, thối rữa như bác sĩ nói thì có khâu lại cũng không được vì thịt đã mủn.

Theo nữ bác sĩ, trong sản khoa, hầu hết các trường hợp ngôi thuận đẻ thường, khi đầu đã lọt thì thân sẽ ra theo, trừ một số trường hợp bác sĩ đỡ không khéo, để 2 vai ra cùng lúc gây gãy xương đòn hoặc các trường hợp mắc dị tật thân to hơn đầu.

“Còn trường hợp kéo thai bị rách toạc đầu là điều tôi chưa từng nghe đến trong suốt hơn 30 năm làm nghề”, bác sĩ nhấn mạnh.