Nhiều nguy cơ hơn người lớn
Gần tuần nay, bé Mít 5 tuổi, con gái chị Mai ở (Khương Đình, Hà Nội) thường xuyên bỏ bữa, rất hay quấy khóc khiến cả nhà mệt mỏi. Chị Mai để ý thấy con hay lấy tay gãi liên tục và thường xuyên cho tay vào “vùng kín”. Chị nhắc nhiều lần nhưng con không bỏ hành động này. Lúc cho con đi tắm rửa, thì con bé lại khóc toáng lên và kêu đau. Đưa con tới phòng khám, bác sỹ kết luận bé bị viêm nhiễm “vùng kín” khiến chị hết sức ngạc nhiên, hỏi đi hỏi lại, tưởng nghe nhầm.
Cùng tâm trạng với chị Mai, chị Hoài phụ huynh của cháu Su Su 6 tuổi ở Hào Nam, Hà Nội cũng hết sức bất ngờ khi các bác sỹ kết luận con chị mắc bệnh phụ khoa do nấm. Lúc đầu chị nghĩ đây là một điều rất vô lý bởi chị là người rất sạch sẽ, ngày nào chị cũng vệ sinh cho con bằng xà phòng khử trùng rất cẩn, con chị cũng còn quá nhỏ… Không ít bà mẹ còn tỏ ra xấu hổ khi nghe bác sĩ kết luận bé viêm nhiễm vùng kín vì “sợ thiên hạ cho rằng con mình “hư” sớm, bé tí đã thủ dâm”.
BS. Nguyễn Thị Mai Thủy (Khoa Nhi, Bệnh viện Việt- Đức, Hà Nội) cho biết: Hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em bị mắc bệnh phụ khoa rất sớm, thực chất trẻ đối diện với rất nhiều nguy cơ viêm nhiễm.
Nguyên nhân thì có rất nhiều nhưng chủ yếu là do các yếu tố về nội tiết của bé chưa phát triển, bình thường sau khi ra đời các bé nhận lượng estrogen từ máu mẹ truyền sang, nhưng cấu tạo cơ quan sinh dục ở các bé gái chưa phát triển hoàn thiện do hoạt động nội tiết của buồng trứng chưa nhiều nên thiếu các rào chắn sinh lý giúp ngăn cản nhiễm trùng. Đó là vì trường âm đạo trung tính chưa có axit lactic để ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
Bé gái cũng chưa có các nang lông ngăn ngừa bụi bẩn, bản thân các bé lại không biết cách tự bảo vệ bản thân nên thường xuyên cho tay bẩn vào gãi khi ngứa làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Nhiều bé được bố mẹ mặc quần áo lót chật hoặc đóng bỉm thường xuyên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và xâm phập vào vùng kín.
Các bé gái còn đối diện nguy cơ từ giun. Khi bị nhiễm giun kim, trẻ thường bị ngứa ngáy, hay gãi, đồng thời giun kim rất hay chui từ hậu môn lên âm đạo gây viêm nhiễm.
Ngoài ra, việc rửa vùng kín của bé bằng xà phòng cũng không tốt, bởi trong xà phòng thường chứa acid có tính chất tẩy rửa, khi sử dụng vô tình các mẹ đã làm mất khả năng bảo vệ của bé. Việc chà xát làm đau rát, chầy sước vùng kín của bé tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Đe dọa khả năng làm mẹ
Viêm nhiễm phụ khoa lúc nhỏ, dễ để lại di chứng nặng nề như bị teo mất môi lớn, thu hẹp âm vật cũng như thu hẹp lối vào của âm đạo, làm ảnh hưởng tới khản năng tự miễn dịch của bé khi lớn lên. Trong trường hợp này, khi đến tuổi dậy thì, máu kinh cũng khó thoát ra bên ngoài, khiến bé gái thường hay bị đau bụng, bụng dưới ngày càng to ra do bị ứ máu kinh lâu ngày, làm ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Một số trường hợp phải phẫu thuật, tạo đường âm vật giả.
Để giảm thiếu tối đa hệ lụy, cha mẹ cần chú ý phát hiện sớm những biểu hiện khi bé mắc bệnh vùng kín: hay quấy khóc, chán ăn, hoặc ít ăn, thường xuyên cho tay vào vùng kín để gãi, kiểm tra sẽ thấy có những vết mẩn đỏ li ti, hoặc vẩy tróc, nhiều bé tránh né việc vệ sinh vùng kín và cảm thấy đau khi mẹ chạm vào.
Tuy nhiên theo khuyến cáo của BS. Nguyễn Thị Mai Thủy thì khi thấy con viêm nhiễm, cha mẹ chớ vội vàng tự ý dùng thuốc như của mẹ. Lý do là có hơn 80% các bé bị viêm nhiễm vùng kín là do nhiễm khuẩn từ môi trường xung quanh hoặc do vệ sinh chưa đúng cách. Thuốc của người lớn chủ yếu là đặt, thụt rửa âm đạo có thể nguy hiểm với trẻ nhỏ. Bạn nên cho bé khám bác sĩ, có thể dùng một số loại thuốc mỡ, ít kích ứng cho bé hoặc tùy theo nguyên nhân mà có cách điều trị khác nhau. Trong trường hợp bé viêm nhiễm do giun, sán thì nên tiến hành tẩy giun.
Giúp con bảo vệ vùng kín
- Nên thường xuyên tắm, rửa cho trẻ, nên dùng các loại sữa tắm (loại chuyên dùng cho trẻ nhỏ) khi tắm xong lau khô âm hộ bằng khăn bông sạch, mềm.
- Vệ sinh vùng kín hàng ngày cho bé, luôn giữ cho vùng kín được khô, thoáng, sạch không ẩm ướt. – Khi trẻ đi vệ sinh xong, mẹ cần giúp bé vệ sinh thật kỹ. Tránh dùng xà phòng có chất tạo bọt, mùi, để rửa vùng kín cho bé, bởi xà phòng thường có chất tẩy rửa, làm mất cân bằng axit lactic tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.
- Cần tẩy giun cho bé theo định kỳ.
- Mặc các loại quần lót chất liệu cotton, rộng và thoáng mát cho bé. Thay quần lót thường xuyên và dùng nước muối loãng pha ấm để rửa vùng kín cho bé để tránh làm bé đi đau rát.
- Nếu trẻ còn dùng bỉm thì trung bình 3-4 tiếng nên thay một cái để giữ vệ sinh vùng kín cho trẻ.
- Không thụt rửa vùng kín của bé khi chưa có chỉ định của bác sĩ.