Trẻ mắc bệnh hô hấp tăng mạnh vì thời tiết giao mùa

TPO - Ngày 26/9, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, trong những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 4000 bệnh nhi đến khám. Trong đó số bệnh nhi phải nhập viện tăng khoảng 25%, chủ yếu là các bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiều trường hợp bị nặng.

Nếu ở các tuần trước, hầu hết trẻ đến khám được về theo dõi, điều trị thì hiện bệnh nhân phải ở lại nhập viện tăng nhanh, nhiều bệnh nhân suy hô hấp nặng phải thở oxy. Bác sĩ TS. Đậu Việt Hùng, Phụ trách Đơn nguyên Hồi sức Hô hấp, đơn nguyên này mới thành lập được gần 2 tuần nhưng đã tiếp nhận gần 40 bệnh nhân viêm phổi, viêm tiểu phế quản nặng phải thở oxy từ các khoa khác chuyển vào. Đa phần các bé mới vài tháng tuổi. Còn tại khoa  Cấp cứu – Chống độc nếu trước đó mỗi ngày Khoa chỉ tiếp nhận từ 100-120 em bé,  thì này bình quân phải tiếp nhận khoảng 170 bệnh nhi mỗi ngày.

Chị Phùng Phương Thảo (Thạch Thất, Hà Nội) có con mới 2 tháng tuổi bị suy hô hấp đang nằm điều trị tại Đơn nguyên Hồi sức Hô hấp cho biết, cháu bị khò khè khoảng 2 ngày, gia đình cứ nghĩ là ho, sốt thông thường nhưng chỉ sáng đến tối cháu đã trở nặng, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Một bệnh nhi khác đến từ tỉnh Vĩnh Phúc nhập viện trong tình trạng viêm phổi. Người nhà cho biết trước đó trẻ  ho, sổ mũi thông thường, 1 ngày sau đó trẻ sốt cao, nôn mửa, gia đình đưa cháu vào viện luôn mà trẻ đã bị viêm phổi.

Theo TS. Đậu Việt Hùng, hầu hết các ca bệnh đến khám và nhập viện do bệnh lý hô hấp đều có biểu hiện rõ rệt là hắt hơi, sổ mũi, ho ngày càng tăng, ho nhiều, có đờm, đau họng, viêm phế quản. Ở trẻ nhỏ thì có biểu hiện bỏ bú, khó thở, ho do tắc đờm. Các trường hợp trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, bệnh cũng diễn tiến nhanh cấp tính và thường phải nằm ở viện lâu hơn.  Bác sĩ Hùng cho hay: “Nguyên nhân của tình trạng bệnh nhân nhập viện điều trị gia tăng này là do miền Bắc đang vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết ngày nóng, sáng sớm và đêm se lạnh khiến sức đề kháng của trẻ giảm. Hệ miễn dịch và cơ hô hấp của trẻ cũng chưa hoàn thiện, cấu trúc đường thở nhỏ nên rất dễ bị khó thở khi bị viêm nhiễm. Bên cạnh đó, có nhiều bà mẹ tự quyết định điều trị, sai lầm trong việc chăm sóc, đến khi dấu hiệu nặng lên mới đưa con đến các cơ sở y tế cũng là nguyên nhân khiến bệnh của trẻ trở nên nặng hơn”.

Bác sĩ khuyến cáo, để phòng các bệnh viêm tai mũi họng, viêm đường hô hấp trong thời điểm này, các bậc phụ huynh cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường trái cây, vitamin. Ngoài ra cần là chú ý tiêm phòng đầy đủ cho trẻ. Lưu ý nhiệt độ phòng, tránh tình trạng trẻ bị quá nóng hoặc quá lạnh. Khi trong gia đình có người bị hắt hơi, sổ mũi cần phòng tránh bằng cách che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang… để không lây bệnh sang các thành viên khác.

Trong một số trường hợp trẻ bị ho, sốt, sổ mũi, chơi bình thường, khi chưa thể đi khám bác sĩ thì cha mẹ có thể theo dõi cho trẻ ở nhà. Có thể uống các thuốc ho thông thường, sốt thì hạ sốt, cho trẻ ở chỗ thoáng mát. Nếu trẻ thở nhanh, sốt cao lên, ăn uống kém, mệt mỏi nhiều thì cần đưa con đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.