Tranh sơn mài Việt - sao giá chưa cao?

TP - Để tạo nên sự khác biệt cho một triển lãm sơn mài, phòng tranh Cuci nghĩ ra từ khóa “cửa võng” làm cái cớ cho các họa sĩ tương tác. Triển lãm Câu chuyện sơn mài - Đối thoại với cửa võng (mở cửa đến hết tháng 7 tại gác hai của tòa biệt thự cổ số 25 Hàng Bún, Hà Nội) quy tụ 8 nghệ sĩ trẻ, đưa đến cho người xem những cách tiếp cận sơn mài mới.
Sắp đặt Ú ớ - sơn điều, sơn ta trên gỗ của Nguyễn Đoan Ninh

Mở ra cửa võng…

Cửa võng là thành phần không thể thiếu trong kiến trúc gỗ của các không gian thờ tự như đình, đền, nhà thờ họ… Nằm dưới bức hoành phi, cửa võng là một khung cửa giả, gồm ba phần. Hai bên cửa võng gắn liền vào đôi cột cái, sát đôi câu đối. Cửa võng vừa như ngăn cách vừa như kết nối hai thế giới thế tục và tâm linh. Đây chính là nơi các nghệ nhân dân gian dồn rất nhiều tâm huyết để khắc chạm, trang trí với kỹ nghệ sơn son thếp vàng.

Khi tìm cách thỏa mãn “đề bài” cửa võng, các nghệ sĩ dường như cũng vượt qua ranh giới của chính mình, đồng thời tạo những ô cửa mang tính kết nối, mời gọi người xem bước vào không gian nghệ thuật của sơn mài và văn hóa truyền thống. Sơn mài trong triển lãm không chỉ là những bức tranh chữ nhật, mà phối kết hợp với các hình thức nghệ thuật mới, tạo chiêm nghiệm mới.

Tác phẩm của Nguyễn Hồng Phương có vẻ bám sát đề bài. Anh dùng các kỹ thuật sơn mài, khảm trai… để viết toàn bộ hoặc một phần dòng chữ “Em xin lỗi lần sau em không thế nữa” lên các tấm bảng đúng kích cỡ mà học sinh tiểu học vẫn dùng. 250 tấm bảng đủ màu đó lên khung cửa cho khách khứa bước qua tạo thành tác phẩm Sau cửa võng.

Bên cạnh một Nguyễn Hồng Phương đa phương tiện, Nguyễn Đoan Ninh cũng tạm rời xa chất liệu giấy dó quen thuộc để thể nghiệm sơn mài với tác phẩm sắp đặt Ú ớ. Trung tâm tác phẩm là bức cuốn thư - kết cấu gỗ thường nằm trên hoặc nằm trước cửa võng - để khắc tên của vị thần được thờ phụng. Trên đó anh vẽ 3 gương mặt: tượng David, khuôn mặt không đường nét của cô gái Nhật phục sức kiểu cổ và mặt của chính anh. Tất cả những chữ Hán trên cuốn thư và hai câu đối hai bên đều được cố tình vẽ sai nét để chẳng còn ý nghĩa gì. Đứng trước Ú ớ, đa số người xem không khỏi giật mình vì chính mình vào các khu di tích cổ nói chung cũng mù tịt chả biết những chữ loằng ngoằng vây quanh muốn nói gì. Và do đó nó được viết sai hay đúng cũng không thành vấn đề (!)

Không gian vỡ của Nguyễn Tuấn Cường cũng khai thác sự đứt đoạn giữa truyền thống và hiện đại. Tác giả cho hay: “Tôi sử dụng các khoảng thủng của phù điêu và tạo tác các khoảng thủng tưởng như vô nghĩa đó trong một không gian khác. Ta sẽ thấy biểu tượng bị mất đi, tháo rời và bị chia cắt”. Kết quả là chúng ta có những vệt vàng như một loại ký tự mơ hồ nào đó trên nền vóc đen. Qua tác phẩm, Cường đặt ra các câu hỏi: Cái nhìn của ngày hôm nay với những biểu tượng trong quá khứ có mất đi ý nghĩa không? Có phải sự vô nghĩa và ý nghĩa luôn tồn tại song song không?

Các họa sĩ chuyên sơn mài như Nguyễn Trường Linh (kiêm đồng giám tuyển triển lãm) hay Chu Viết Cường đều mượn hình thức ba tấm của cửa võng để trưng ra những tác phẩm bộ ba. Bộ tác phẩm của Linh rực rỡ vàng son đặt các họa tiết dân gian đình chùa (trai gái nô đùa, tiên nữ ngực trần cưỡi rồng…) vào không gian biểu hiện mới. Trong khi bộ tranh đậm sắc xanh lục của Cường đưa vẻ đẹp khỏa thân nữ giới vào không gian thiêng… Mỗi tác giả đem đến câu chuyện riêng, những ngôn ngữ riêng, cùng đối thoại với chủ đề, với công chúng khiến biên độ tương tác của triển lãm mở rộng hơn.

Hiểu lầm về sơn mài

Sau 2 thập kỷ làm sơn mài Nguyễn Trường Linh, hiện là giảng viên trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội vẫn khiêm tốn tự cho mình “tạm gọi có biết một chút” về sơn mài. Theo anh, tranh sơn mài đang trong giai đoạn khá phát triển: “Sau một thời gian trầm lắng do tranh thị trường lấn át, 5-6 năm lại đây tranh sơn mài đã có tiếng nói, được thị trường khá để ý và các nhà sưu tập đánh giá cao. Đội ngũ các họa sĩ trẻ và trung tuổi đi sâu sáng tác sơn mài ngày càng hùng hậu. Về mặt công nghệ, có nhiều nghiên cứu hỗ trợ giúp cho việc làm sơn mài  không quá vất vả như trước…”.

“Tuổi đời sơn mài Việt Nam chỉ bắt đầu từ khoảng năm 1920, quá trình sáng tạo vẫn tiếp tục phát triển. Cũng chưa có những bộ sưu tập sơn mài lớn để đưa ra đấu giá, nhưng thị trường trong nước bắt đầu thích sơn mài, mua với giá cao. Tôi từng chứng kiến một nhà sưu tập trong nước bỏ ra vài chục ngàn đô để mua một bức sơn mài”, anh Linh nói.

Một lý do quan trọng khiến sơn mài Việt chưa có những kỷ lục ấn tượng ở các phiên đấu giá quốc tế: Thông tin về sơn mài Việt Nam ra thế giới vẫn còn thiếu và yếu. Mặc dù so với các nước cùng có truyền thống làm sơn mài là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, sơn mài Việt Nam có những đặc điểm riêng nổi trội, mang tính nghệ thuật cao.

“Khi gõ từ khóa ‘sơn mài’, Google cho ra hàng loạt tranh không phải sơn mài, tên tuổi những họa sĩ làm sơn mài không có nhiều. Thông tin chính thống về sơn mài trên wiki cũng không đầy đủ. Muốn đầy đủ phải có những nhà nghiên cứu chuyên tâm viết hẳn ra một cái giống như biên niên sử về một dòng tranh”, theo anh Linh.

Nhiều người nước ngoài mà họa sĩ Nguyễn Trường Linh tiếp xúc hoàn toàn không có thông tin gì về sơn mài. Trong một lần triển lãm ở Pháp, khi anh trưng bày quá trình làm tranh sơn mài Việt Nam từ vóc cho đến tác phẩm, khán giả mới “ngã ngửa”. Có người tâm sự: “Thế mà tôi cứ tưởng sơn mài chỉ là lacquer”. Từ “lacquer” theo anh Linh mới chỉ nhấn mạnh tính chất “phủ bóng” mà chưa nêu bật quá trình mài - khâu cốt yếu quyết định sự đặc sắc của tranh sơn mài Việt Nam. Các nước khác thường chỉ mài qua loa rồi phủ bóng. Trong khi để xong bức tranh, các họa sĩ Việt Nam phải bỏ ra khoảng một tuần để mài. Đến khi nào hàng chục lớp màu nhuyễn vào nhau như ý mới thôi.

Sau triển lãm Đối thoại cửa võng, phòng tranh Cuci tiếp tục lấy sơn mài là trọng tâm cho các hoạt động năm nay.

Sau Cửa Võng gồm 250  mảnh sơn mài kích thước 30x40 cm của Nguyễn Hồng Phương

“Để đẩy sơn mài lên giá cao cần có hệ thống đồng bộ gallery, giám tuyển, nhà phê bình và nghiên cứu tranh. Từ đó mới có các định giá chính xác về tác phẩm, tác giả. Họa sĩ và gallery hiện nay vẫn nhắm vào thị trường tầm trung, đưa ra những tác phẩm đèm đẹp, dễ hiểu. Cũng do nhu cầu thị trường chỉ cần đến thế. Khi tranh bước vào giới sưu tập thì giá mới cao được”. 
Họa sĩ Nguyễn Trường Linh