Từ ngày 28/5, Thông tư "Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên" của Bộ GD&ĐT quy định giáo viên, học sinh không được lên mạng xã hội bình luận làm ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục sẽ có hiệu lực. Thông tư 06 này của Bộ GD&ĐT đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Cô giáo Đỗ Thị Dung (Trường THCS Dương Liễu, Hà Nội), cho rằng, quy định này sẽ có tác dụng tốt.
Cũng theo cô Dung, việc học sinh chửi nhau trên mạng xã hội giờ nhiều “như cơm bữa”. Là giáo viên chủ nhiệm, cô giáo này đã từng chứng kiến học sinh của mình sau khi chửi nhau trên mạng đã kéo lũ đến trường đánh nhau.
Tuy nhiên, theo cô Dung, quy định không lan truyền thông tin xấu trên mang xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến giáo dục, chứ không phải cấm lên tiếng. Vì nếu không ngăn cấm, nhiều học sinh có khi lên mạng đưa ra những câu chuyện chưa đúng, hoặc phiến diện, sẽ tạo dư luận xấu.
“Quy định như vậy là có tác dụng một phần giáo viên và học sinh cần có văn hóa trên mạng xã hội. Người khác nhìn vào sẽ đánh giá người sử dụng mạng xã hội là người như thế nào”- cô Dung cho biết
Cô giáo Phạm Thị An, một giáo viên dạy Tin ở trường THPT của Hà Nội cho rằng, cho rằng điều khoản này trong quy định không có vấn đề.
Cũng theo cô An, ngành giáo dục hiện nay, quá nhiều ý kiến tiêu cực, trong khi điểm tốt lại ít được quan tâm, khiến phụ huynh hoang mang, mất lòng tin vào giáo viên và nhà trường.
Cô Nguyễn Đình Thị Thủy, giáo viên trường THPT Hoài Đức A cho biết, với người có đạo đức nghề nghiệp thì việc đưa ra quy định này không ảnh hưởng gì đến nếp nghĩ, thói quen ứng xử, tác phong làm việc, vì vốn dĩ họ đang, đang hoặc đang hướng đến những giá trị này.
Tuy nhiên, theo cô Thủy, quy định này lại gây khó cho nhà lãnh đạo vì phải tiếp tục xem xét, giới hạn của những lời bình ấy, chưa kể lời bình tường minh không tác hại.
“Nên dừng lại ở quy định chứ không cấm tiệt. Vô hình chung giáo viên cũng như học sinh không được nói ra chính kiến của mình cũng là không nên”- cô Thủy nhấn mạnh.
Một giáo viên khác ở Hà Nội lại cho rằng, tại sao lại nghiêm cấm học sinh phát biểu, bình luận?. Như vậy, cấp quản lý, thầy cô làm sao thấy được ý kiến của học sinh. Bản thân giáo viên cũng nên lắng nghe những ý kiến trái chiều hoặc bình luận từ phía học sinh. Không nên cấm đoán, như thế, quy định rõ ràng là phiến diện.
Không cấm giáo viên, học sinh góp ý, phản biện
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, thông tư sẽ là một thiết chế quan trọng để các nhà trường tăng cường nền nếp, kỷ cương, kỷ luật, xây dựng văn hóa trường học; trong đó xác định vai trò, trách nhiệm, quy định ứng xử cụ thể cho tất cả các chủ thể, nhất là vai trò nêu gương của cán bộ quản lý trường học, giáo viên.
Sau khi Thông tư số 06 ban hành có những ý kiến trái triều liên quan đến Điều 4 quy định quy tắc ứng xử chung .
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nghĩa cho rằng, khi xây dựng quy định này, chúng tôi đã rất cân nhắc và tham khảo các luật, quy định có liên quan. Đồng thời, tham khảo những đánh giá, khảo sát khách quan về tác động của việc sử dụng mạng xã hội đối với giới trẻ, trong đó có học sinh.
“Chúng ta đều biết, khi tham gia mạng xã hội, bên cạnh những thông tin tốt, tích cực, cũng có không ít thông tin xấu, độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ. Không ít phụ huynh đã bày tỏ sự lo lắng trước việc không thể quản lý con em mình sử dụng mạng xã hội”- Bà Nghĩa khẳng định.
Thứ trưởng Nghĩa cho rằng, bên cạnh việc khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng mạng xã hội để khai thác thông tin tích cực phục vụ cho học tập, giảng dạy, vui chơi, giải trí, thì định hướng để giáo viên, học sinh không sử dụng mạng xã hội vào những việc tiêu cực là rất cần thiết”- Thứ trưởng Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Nghĩa, quy định tại Điều 4 của Thông tư 06 chính là mang tính định hướng như vậy. Quy định này nhằm hướng cán bộ, giáo viên, học sinh đến việc sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, trách nhiệm và hiệu quả, chứ không có nghĩa là cấm giáo viên, học sinh góp ý, phản biện, nếu góp ý đó có cơ sở và mang tính chất xây dựng.
Thứ trưởng Nghĩa khẳng định, quy định tại Thông tư 06 là quy định khung, từ quy định mang tính chất khung này, các cơ sở giáo dục sẽ cụ thể hóa trong các Bộ Quy tắc ứng xử riêng, phù hợp với yêu cầu và thực tiễn tại cơ sở.
Trên cơ sở quy định tại Thông tư này, các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử với sự tham gia và cam kết của các bên liên quan (cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh.
Ngày 28/5 tới, Thông tư 06 chính thức có hiệu lực. Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT quán triệt tới các cơ quan quản lý giáo dục, lãnh đạo các trường học, giáo viên, học sinh nghiên cứu kỹ về mục đích, ý nghĩa, các quy định chung, quy định cụ thể tại Thông tư 06 để xây dựng và thực hiện có hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường.
“Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội dung Bộ Quy tắc ứng xử phải được thảo luận dân chủ, khách quan, công khai và được sự đồng thuận của đa số các thành viên trong cơ sở giáo dục”- Thứ trưởng Nghĩa nói.
Bộ quy tắc còn có quy định: Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rồi, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác.
Ứng xử của giáo viên với đồng nghiệp, nhân viên: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, thân thiện, cầu thị, chia sẻ, hỗ trợ, tôn trọng sự khác biệt, bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của đồng nghiệp. Không xúc phạm, vô cảm, gấy mất đoàn kết.
Ứng xử của giáo viên với người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực bao dung, trách nhiệm, yêu thương. Tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học… Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi, trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che dấu các hành vi vi phạm của người học.