Tránh 'bẫy' gây nghiện của TikTok

TP - Có số lượng người dùng tăng chóng mặt, mạng xã hội TikTok được ví như công cụ tạo hình cho những nhà sáng tạo nội dung trẻ. Nhưng để nền tảng này lên ngôi mạnh mẽ trong ngành truyền thông xã hội và khẳng định vị thế trong văn hóa giới trẻ lại xuất phát từ nhận thức, thói quen của người dùng.

Là một nền tảng mạng xã hội trình làng sau Facebook, Instagram, YouTube… nhưng TikTok lại len lỏi nhanh và sâu vào đời sống giới trẻ hiện nay nhờ thuật toán “gây nghiện”. Đây là công cụ xử lý thông tin được sử dụng để phân tích hành vi của người dùng trên nền tảng và cung cấp cho họ những nội dung được cá nhân hóa dựa trên sở thích và tương tác trước đó.

Tâm lý “sợ bị bỏ lỡ”

Dành vài tiếng lướt TikTok mỗi ngày để giải trí và làm việc, TikToker Nguyễn Quốc Tuấn Minh (còn gọi là Minh Minh Minh, có khoảng 500.000 người theo dõi với nội dung chia sẻ kiến thức về tiếng Anh theo phong cách hài hước) nói rằng, anh đang nỗ lực từng ngày để giảm thiểu ảnh hưởng từ nội dung trên TikTok đến đời sống thực của mình.

TikTok mở ra nhiều cơ hội việc làm mới nhưng cũng nảy sinh nhiều vấn đề tâm lý trong giới trẻ

Qua trải nghiệm sử dụng, Minh thấy nền tảng này không chỉ thu thập thói quen tiêu thụ nội dung, tương tác của người dùng mà còn thu thập thông tin về địa điểm, đọc được sở thích, hay động cơ của người dùng. “Vừa qua mình có chuyến bay đến Đà Nẵng. Khi mở TikTok, ngay lập tức được đề xuất các video gợi ý những địa điểm du lịch, hấp dẫn ở Đà Nẵng. Vì thế, nền tảng này thành công trong việc “giữ chân” mình sử dụng để không bị bỏ lỡ những thông tin hấp dẫn về điểm đến”, Minh nói.

Lý giải thêm về hội chứng sợ bị bỏ lỡ nội dung trên TikTok (TikTok FOMO syndrome), nam TikToker cho hay, đây là tình trạng mà người dùng cảm thấy áp lực để xem và tiêu thụ nội dung của ứng dụng này, sợ rằng họ sẽ bỏ lỡ các video hay, hài hước hoặc nổi tiếng nếu không dành đủ thời gian cho nó. Một số biểu hiện của hội chứng sợ bị bỏ lỡ nội dung trên TikTok như: Sử dụng một cách thiếu kiểm soát và dành quá nhiều thời gian cho ứng dụng; tức giận hoặc cảm thấy thất vọng nếu bỏ lỡ một video được đánh giá cao hoặc nổi tiếng; không muốn bỏ lỡ thông báo của ứng dụng và cảm thấy cần phải kiểm tra nó ngay lập tức…

“Khi bạn trẻ xem càng nhiều video về những người có hình dáng đẹp, cuộc sống “màu hồng” trên TikTok có thể gây ra ý nghĩ tiêu cực về hình ảnh cơ thể bản thân, tạo ra căng thẳng và nỗi lo lắng, tự ti về ngoại hình, hay dẫn đến những ảo tưởng mới về cuộc sống thực của chính mình”, Minh nói.

Tỉnh táo trước thuật thao túng tâm lý

Theo Th.S Ngô Hữu Thống - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp (3AI), TikTok hay các nền tảng khác như Facebook, Instagram, Twitter và YouTube sử dụng một thuật toán có tên algorithmic feed (nguồn cấp dữ liệu) và có tinh chỉnh khác nhau để phù hợp với từng mục đích của mỗi nền tảng. Tuy nhiên, thuật toán này được sử dụng để đề xuất các nội dung trên TikTok cho người dùng dựa trên những video mà họ đã xem, đã thích và đã chia sẻ.

Thuật toán cũng lưu trữ thông tin về việc người dùng bấm “bỏ qua” hoặc “không thích” để loại bỏ các video không phù hợp. Thuật toán sử dụng nhiều yếu tố để xác định xem video có nên được đề xuất cho người dùng hay không. Các yếu tố này bao gồm thời lượng video, độ dài bình luận, thể loại video và ngôn ngữ của video. Thuật toán cũng đánh giá tốc độ tương tác của người dùng với video, bao gồm thời gian xem, bình luận, lượt thích và chia sẻ. Dựa trên thông tin này, thuật toán sẽ đề xuất các video liên quan hoặc tương tự để người dùng tiếp tục tìm kiếm và tương tác.

Vì vậy, bước chọn chủ đề muốn xem là rất quan trọng để quyết định luồng thông tin tiếp nhận từ các kênh, tài khoản khác. “Do TikTok chủ yếu là dạng video ngắn, trang chủ thường hiện nội dung mới, theo chủ đề mình thích mà không ưu tiên xuất hiện nội dung người mình đã theo dõi. Còn ở Facebook, khi like hay follow ai đó thì sẽ tràn ngập bài viết của trang, người đó với những nội dung mà mình không thích, thậm chí là ghét”, Th.S Thống nói.

Theo dõi nội dung trên TikTok, chuyên gia tâm lý Ngô Thùy Trang (diễn giả Keira Ngo) nói: nhà quản trị, CEO của nền tảng này không đưa ra mục đích thao túng tâm lý người dùng. Thế nhưng, nó lại là hệ quả của một hoạt động truyền thông với vô vàn mục đích làm sao để công chúng tin những thông điệp trên mạng, muốn mua sản phẩm qua các quảng cáo… Từ đó đưa ra công thức quảng cáo nhanh hơn, ngắn hơn gắn với thuật toán “gây nghiện” so với các quảng cáo trên tivi trước đây.

Như đã công khai trước đó, sứ mệnh của TikTok nhằm nắm bắt, thể hiện sự sáng tạo, kiến ​​thức và những khoảnh khắc cuộc sống quý giá của thế giới, trực tiếp từ điện thoại di động. TikTok cho phép mọi người trở thành người sáng tạo và khuyến khích người dùng chia sẻ niềm đam mê cũng như cách thể hiện sáng tạo thông qua các video của họ.

“Vì vậy, nền tảng này vẫn có nhiều giá trị trong thông tin, giải trí, giới thiệu về điểm đến hay sản phẩm mới… Nhưng giới hạn ở đâu là do mình tự đặt ra từ cách quản lý thời gian đến thái độ sử dụng”, chị Trang nói.

Theo các chuyên gia, TikTok đã tạo ra nhiều trào lưu và xu hướng mới, từ nhảy múa đến trang điểm, thời trang, ẩm thực và nhiều lĩnh vực khác có tác động đến cách giới trẻ trình diễn, thể hiện bản thân trên mạng xã hội. Vì vậy, bạn trẻ cần tỉnh táo và biết phân định nội dung chất lượng tốt hay xấu độc; xác định đúng sở thích và nhu cầu, năng lực, hoàn cảnh của mình để không gặp phải các vấn đề về tâm lý.