Từng không ít lần làm chương trình nhạc Văn Cao trước đây, anh có kỷ niệm gì?
Ấn tượng đầu tiên chính là bài Tiến quân ca. Liveshow đầu tiên của Ánh Tuyết, cũng chỉ hát Văn Cao thôi do tôi đạo diễn. Ánh Tuyết hát Văn Cao được yêu thích không có gì lạ. Nhưng trải nghiệm của tôi là việc trình diễn Tiến quân ca như những bài hát khác, không phải mở đầu chương trình cho mọi người chào cờ. Hồi đấy công nghệ cũng chưa có trình chiếu hay công nghệ mapping gì cả. Khi Tiến quân ca cất lên, cả nhà hát đứng dậy. Hiệu ứng không ngờ tới làm tôi gai người. Lòng yêu nước thể hiện rất tự nhiên qua bài hát đã in sâu vào trái tim mọi người. Cho nên lần này tôi muốn tái hiện cảm xúc đó.
Kỷ niệm thứ hai là khi làm Cung đàn xưa - chương trình Văn Cao - Phạm Duy. Hai ông là bạn thân, có nhiều giai thoại. Mình nghĩ ra ý tưởng đến nhà Phạm Duy và chiếu cho ông xem những video (trích từ phim tài liệu) Văn Cao nói, rồi để Phạm Duy đối thoại, tỉ tê những chuyện như người yêu ngày xưa thế nào, toa còn nhớ không, toa theo cái cô đấy... Như một buổi uống rượu, hai ông đều cầm cốc giống nhau.
Mình bị rung động vì sự lãng mạn của Văn Cao. Phạm Duy cũng lãng mạn nhưng đời hơn. Về việc cư xử với phụ nữ, hai ông cũng khác hẳn nhau. Một ông thích nhưng chả dám nói, xa xa gần gần rồi chẳng được cái gì cả. Một ông chưa nói đã tới luôn…
Nhưng xin giấy phép lâu quá, đến khi cụ Phạm Duy đi rồi mới làm được. Đâm ra nó lại thành như hai cụ hiện nói chuyện với nhau. Những đối thoại đấy có thể xem trên mạng - chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có nữa. Cả hai chương trình đều diễn ra ở TPHCM. Đây là lần đầu tiên mình làm Văn Cao tại Hà Nội.
Anh cảm nhận Văn Cao là người như thế nào?
Một sức mạnh tinh thần quá lớn ẩn chứa trong một hình hài rất nhỏ bé. Những việc cụ làm ngay khi hoạt động Việt minh khó ai có thể làm nổi… Thứ hai cụ là người nói ra ít nhất, tiết chế nhất những gì muốn nói. Bao giờ cụ cũng trau chuốt lại những ý tưởng của mình một cách sâu sắc, tinh tế và lãng mạn nhất. Thậm chí có nhiều cái mình nghĩ cụ không viết hết ra hoặc nói mà không được công khai. Nhiều cái chứa ở trong. Ẩn ức không phải nhưng uẩn khúc có nhiều. Nhưng tính cụ thế, không nói ra nên cứ chịu vậy thôi, chả đi thanh minh thanh nga gì. Con người vĩ đại. Còng hết cả lưng xuống nhưng cái đầu lúc nào cũng rất cao.
Và âm nhạc rất quốc tế, cực kỳ hiện đại, phối lại không dễ ngay cả đến bây giờ. Mình cũng thích đọc thơ của Văn Cao. Nó cũng như bài hát, tinh tế. Có quá nhiều hình ảnh, còn cả mảng hội họa nữa… Nên với cụ Văn Cao để chọn lọc cái gì để đưa ra mới khó chứ không phải có gì để chọn không.
Việc quá nhiều ca sĩ trong chương trình, nhiều tên tuổi ngôi sao cũng chỉ được hát nửa bài liệu có ảnh hưởng gì đến tính chất âm nhạc cũng như cảm nhận của khán giả?
Đấy là điều khiến mình nhức đầu nhất và cũng ít can thiệp được vào nhất. Vì hầu hết do Hội Nhạc sĩ Việt Nam quyết định. Nó thiên về hàn lâm và chủ yếu là các giọng ca ngoài Bắc. Chúng tôi muốn hài hòa hơn nữa. Nhưng đây cũng coi như là đội hình tốt nhất có thể rồi. Thứ nữa, thực ra chương trình này không nhiều kinh phí lắm đâu. Chuyện ca sĩ bay nơi khác về ăn ở cũng là vấn đề. Có những tên tuổi oách đấy nhưng hét cát-xê dã man lắm.
Thậm chí cả nhạc sĩ lúc đầu cũng không phải Đỗ Bảo. Mình cũng muốn một phương án cân đối giữa thị trường và chuyên môn hơn nữa. Nhưng những phương án đấy đều không thực hiện được vì họ nghĩ khác mình. Nếu coi đây là chương trình thương mại lại khác rồi…
“Làm chương trình này, giám đốc âm nhạc Đỗ Bảo vất vả nhất. Chương trình khó quá - kết hợp trình diễn trực tiếp và phần thu sẵn kiểu này chưa có bao giờ. Thời gian chuẩn bị lại quá ngắn, có quá nhiều nhạc sĩ phối khí cần phải dung hòa. Không phải kiểu phối bài hát bình thường mà là phối cho sân khấu cần chính xác từng giây phút... Trên hết, vì Đỗ Bảo quá yêu Văn Cao mới có thể vượt qua tất cả các thứ. Kể cả không được mời đầu tiên, Đỗ Bảo vẫn vui vẻ. Đấy là cái Bảo làm mình rất nể và quý”. Đạo diễn Phạm Hoàng Nam
Bằng ấy giọng hát mà chỉ có 100 phút để “sử dụng” kể cũng hơi phí?
Trước lựa chọn làm chương trình thời lượng thoải mái và có truyền hình trực tiếp, BTC chấp nhận phương án sau để nhiều người xem hơn. Cũng phải điều đình mãi mới được 100 phút hoặc hơn nhưng không thể quá 110 phút. Tôi cũng thấy khá phí.
Anh có hồi hộp với việc sẽ phải chỉ đạo cả mấy nghìn khán giả vãng lai ngoài quảng trường cho màn tái hiện buổi mít tinh lịch sử chiều 17/8/1945?
Tôi chưa bao giờ hồi hộp những chuyện đấy. Nếu mình hồi hộp nghĩa là đang có cái gì đấy chưa ổn cần rà soát. Làm nghề này mà hồi hộp thì không làm được, phải có thần kinh thép một chút. Vì nhiều người trông vào mình lắm. Mình chỉ cần lơi đi một chút là nó chệch cái gì đó ngay. Quan trọng là làm cho người ta cảm thấy thoải mái trong sự kiểm soát. Sẽ có người hướng dẫn khán giả trước khi vào chương trình.
Ngoài ra còn điều gì anh cảm thấy thách thức trong chương trình?
Đó là sự phối hợp của hai cầu truyền hình trong một chỗ. Đấy là cái khó nhất. Hai xe màu, hai đội đạo diễn, hai tổ âm thanh ánh sáng khác nhau, nhưng phải nối thành một. Trong khi xe bên ngoài không biết điều gì đang diễn ra bên trong và ngược lại.
Khó nữa là làm sao “nhét” tất cả mọi thứ vào một nhà hát bé như vậy, vừa giao hưởng, vừa nhạc nhẹ, vừa điện tử, vừa dân tộc, vừa hợp xướng… Ý tưởng lấy cả Nhà hát Lớn làm sân khấu xuất phát cũng chính từ khó khăn đấy. Ở tầng một khán giả ngồi dưới khán phòng, dãy ghế lô là sân khấu. Tầng hai là khán giả, tầng 3 lại là sân khấu. Khán giả chìm trong sân khấu nên sẽ có cảm giác thú vị…
Nhưng nếu là tôi, tôi không cần làm dàn nhạc đồ sộ như thế với Văn Cao. Tôi xác định sự hoành tráng không phải ở số lượng nhạc công. Tầm vóc Văn Cao đã hoành tráng rồi, lại có nguyên quảng trường đấy... Nhưng chưa biết được, nhiều nhạc công nghe có thể hay hơn.