Trả hồ sơ vụ cựu Chủ tịch Cty chứng khoán SMES và đồng phạm lừa đảo gần 300 tỷ đồng

TPO - Quá trình xét hỏi các bị cáo tại tòa phát sinh tình tiết mới cần được làm rõ, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Cuối phiên xét hỏi chiều 10/5, TAND TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án lừa đảo gần 300 tỷ đồng liên quan Công ty cổ phần chứng khoán SME (SMES) với Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí (PVFI); Công ty Cổ phần bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) và Ngân hàng HabuBank, vì lý do phát sinh tình tiết mới.

Theo đó, HĐXX cho hay việc trả hồ sơ điều tra bổ sung là để làm rõ việc có hay không có biên bản xác nhận công nợ, kế hoạch trả nợ giữa SMES với PVI, nếu có thì đã thực hiện thế nào; đồng thời, xác định rõ các bị cáo tại SMES có chiếm đoạt tiền của PVI hay không, nếu có là bao nhiêu, để từ đó xác định trách nhiệm hình sự, dân sự giữa các bị cáo và chủ thể liên quan.

Ngoài ra, tòa cũng yêu cầu làm rõ số cổ phiếu của PVFI đứng tên SMES mà bị cáo Phan Huy Chí (cựu Chủ tịch SMES) đang nắm giữ và mục đích mua số cổ phiếu này liên quan thế nào đến số tiền hơn 79 tỷ đồng mà SMES nhận từ Công ty PVFI; làm rõ thêm việc các bị cáo trong vụ án có chiếm đoạt tiền của PVFI không, nếu có là bao nhiêu và theo phương thức nào.

Nhóm bị cáo tại tòa.

Trước đó, khi trả lời xét hỏi, bị cáo Phan Huy Chí (Chủ tịch Công ty SEMS) phủ nhận đã lừa đảo Công ty PVI gây thiệt hại cho doanh nghiệp này số tiền 107 tỷ đồng. Bị cáo cho rằng bản thân không đề ra chủ trương, bàn bạc hay chỉ đạo cấp dưới, cũng không ký hợp đồng đầu tư chứng khoán với PVI.

Cựu chủ tịch Công ty chứng khoán SMES khẳng định công ty của ông cần vay tiền PVI nhưng PVI là công ty bảo hiểm, không có chức năng cho vay nên mới phải tạo dựng hai hợp đồng chứng khoán niêm yết để vay. Toàn bộ thủ tục liên quan việc vay nợ này do trung gian môi giới thực hiện, SMES chỉ làm theo tư vấn.

Khi bị chủ tọa chất vấn nếu PVI không có chức năng cho vay, tại sao vẫn làm điều pháp luật không cho phép, vậy rõ ràng là gian dối, là vi phạm, có phải không? Cựu chủ tịch SMES trả lời rằng nếu có gian dối thì là PVI chứ không phải bị cáo.

Ông Chí khai thêm, trước khi vụ án đưa ra xét xử ông đã trả đủ tiền cho PVI. Do đó, ông không phạm tội như “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như Viện kiểm sát quy kết trong cáo trạng.

Được tòa cho đối chất về mốc thời gian và các khoản thanh toán từ SMES đã trả cho PVI, người đại diện của PVI nói chưa chuẩn bị đủ các tài liệu cần thiết, xin bổ sung sau.

Theo cáo buộc, do cần tiền sử dụng cá nhân và thanh toán các khoản nợ cũ, Phan Huy Chí (Chủ tịch HĐQT Công ty SMES) lợi dụng sơ hở của đối tác, dùng thủ đoạn gian dối để tạo dựng khách hàng, đưa các mã chứng khoán khống vào Hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết, Hợp đồng ủy thác cầm cố, xác nhận phong tỏa mã chứng khoán để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của Công ty Cổ phần bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) hơn 107 tỷ đồng; chiếm đoạt của Công ty Cổ phần tài chính công đoàn Dầu Khí (PVFI) hơn 111 tỷ đồng và chiếm đoạt của ngân hàng HabuBank 80 tỷ đồng.

Trước khi khởi tố, các bị cáo đã khắc phục 8,3 tỷ đồng cho Habubank; Viện KSND Tối cao ghi nhận bị cáo Phan Huy Chí và gia đình đã trả cho PVI hơn 80 tỷ đồng.