TPO - Thời thanh xuân tươi đẹp của chúng tôi

TPO - Tất cả những người từng góp công xây dựng Báo điện tử Tiền Phong (TPO) thời gian đầu dù rất vất vả, nhưng đều rất tự hào. Họ khẳng định: TPO là thời thanh xuân tươi đẹp của chúng tôi.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Hoàng Bình Quân đọc Báo điện tử Tiền Phong tại Hội báo Xuân ngày 31/1/2005.

An cư từ những bộ bàn ghế thừa

Tác giả, nhà báo Nguyễn Ngọc Nam (Phương Đông)

Năm 2004, báo hoàn tất xây dựng công trình tòa nhà Tiền Phong. Cả tòa soạn náo nức trở về tòa nhà 9 tầng sừng sững trên con phố Hồ Xuân Hương xưa cũ. Nhưng, bố mẹ giàu không hẳn là con cái được ung dung an hưởng tất cả...

Về nhà mới, Tiền Phong điện tử tương lai được chia một căn phòng rộng rãi đến mênh mông (vì trống trơn, chẳng có đồ vật gì). Họa sĩ Thu Trang nhớ lại: Hồi ấy, khi chuyển về thấy có những bộ bàn ghế thừa từ trụ sở báo thuê chuyển về bỏ lăn lóc thế là anh Phương Đông gọi anh Phạm Tuyên, chị Hiếu Thảo và em bê vào. Anh Phương Đông, anh Việt Hùng cũng xắn tay vào cùng bê. Sau đó em và chị Hiếu Thảo còn lấy cồn lau từng chút bẩn một cho bàn như mới anh Phương Đông mới hài lòng.

Lễ mít tinh kỷ niệm 20 năm thành lập Báo điện tử Tiền Phong sẽ diễn ra lúc 8h30 sáng thứ Ba, 7/1/2025, tại Khách sạn Melia Hà Nội.

Số là khi chuyển về tòa nhà mới, phóng viên tòa soạn được ngồi tập trung ở phòng lớn trên tầng 4. Lực lượng sản xuất chính của cỗ máy cái Tiền Phong được tạo điều kiện làm việc trong những cúp-pê màu xanh xinh xắn, trông chả khác gì tòa soạn của Tây.

Còn Tiền Phong điện tử lúc ấy tuy đã có phiên hiệu, nhưng vẫn chỉ là trong tờ quyết định. Việt Hùng - Trưởng ban đầu tiên và Hiếu Thảo, Phạm Tuyên vẫn làm bên phòng Kỹ thuật.

Phó TBT Lương Ngọc Bộ nói: Lúc này báo đang khó khăn vì đầu tư gần như hết tiền cho việc xây dựng tòa nhà. Chú bảo anh em cố gắng vậy. Đôi năm nữa, làm ăn khá lên lại đầu tư cho TPO.

Cơ sở vật chất của TPO ngày ấy tuy còn khá khiêm tốn, xong chúng tôi luôn hăng say với niềm đam mê nghề.

Tờ báo chỉ mới có trên giấy mà đã được chia phòng là tốt rồi. Thế nên, có đống bàn ghế thừa thì bê vào ngay để khi người về có chỗ mà làm luôn. Sự nhanh nhảu ấy khiến cho Tiền Phong điện tử khi có người là đã có bàn ghế làm việc ngay.

Tương tự như vậy với các bộ máy tính, Việt Hùng vốn là Trưởng phòng Kỹ thuật nên có lợi thế, hiểu biết trong việc chọn lựa máy móc cũ và phù hợp. Còn nhớ, lúc đó chỉ có 2 bộ máy tính mới là của họa sĩ Thu Trang để thiết kế và cộng tác viên Hoàng Haley để sửa ảnh.

Trong căn phòng thuở đó, ngồi ngay cửa ra vào với cái bàn nhỏ là vị trí của tôi dù đã được cơ quan bố trí một căn phòng dành cho Phó TBT trên tầng 5. Việt Hùng ngồi dựa lưng vào bức tường bên phải, bao quát trong tầm mắt của tổng quản này là hai dãy bàn quay mặt vào nhau - nơi làm việc của cả ban.

Từng người đến lấp dần những chiếc bàn trống. Lúc đông nhất khi có các bạn cộng tác viên trẻ trung đến làm các câu lạc bộ thì mới không còn chỗ trống.

Nhà báo Nguyễn Việt Hùng - Trưởng ban đầu tiên của Tiền Phong điện tử (đeo kính) cùng cán bộ PV của TPO trong buổi giao lưu trực tuyến với Hoa hậu, Á hậu Thế giới Người Việt năm 2007.

Âm thầm lên mạng, hăng say làm việc

Từ giữa tháng 12/2004, Tiền Phong điện tử đã lên mạng một cách chính thức, đánh dấu có một “cây non” trong “rừng”: Tiền Phong thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy, Chủ nhật, Cuối tháng, Tri thức trẻ, Người đẹp Việt Nam.

Trong căn phòng rộng tầng 3, trong đêm hoặc sáng sớm các phóng viên, cộng tác viên lấy bài từ các sản phẩm báo giấy đưa lên báo điện tử. Đây là nguồn nội dung lớn nhất của Tiền phong điện tử những ngày đầu. Tuy nhiên, tất cả đều phải đưa muộn hơn thời gian theo tiếng, ngày, tuần tùy theo từng loại báo giấy để đảm báo phát hành.

Hoa hậu Mai Phương Thúy cùng các phóng viên, biên tập viên TPO trong thời khắc Giao thừa Xuân Đinh Hợi năm 2007 tại tòa soạn báo Tiền Phong. Ảnh: Xuân Cường

“Món chính” dành cho bạn đọc, nhưng đối với phóng viên, cộng tác viên thì được coi là… cực hình! Chuyện là, Tiền Phong giấy có bản in thử tầm 1 giờ sáng. Kíp trực báo giấy xem xét không có lỗi gì mới cho nhà in mở máy chạy tiếp và từ lúc đó thành viên trực của Tiền Phong điện tử mới được lấy bài đưa lên CMS.

Bài đưa lên báo điện tử không phải từ bản word bình thường mà phải lấy ra từ các file thiết kế, ảnh từ báo in là ảnh đen trắng, ảnh trên điện tử lại là ảnh màu nên phải so sánh xem ảnh nào được duyệt trên báo in mới được lấy rồi xử lý lại, đưa lên CMS.

Thời kỳ đầu mọi người chưa thao tác quen, việc phối hợp với Phòng Kỹ thuật chưa khớp nên đúng là cực hình với những ai trực đẩy báo giấy lên CMS.

Món chính thứ hai là các bài dịch. Phần này Tiền Phong điện tử khá chủ động, cập nhật nhanh vì đều biết ngoại ngữ và nguồn khai thác đủ cả các ngôn ngữ phổ biến: Nga, Anh, Trung, Pháp.

Còn nguồn trong nước thì các phóng viên, cộng tác viên tự tìm, tự viết theo kiểu luân phiên trực ở tòa soạn và đi hiện trường. Tất nhiên, số lượng này không được nhiều và bài hay thì vẫn phải để dành cho báo giấy nhằm giảm thiểu nguồn chi trả nhuận bút.

Những người làm Tiền Phong điện tử thời đó thường bắt đầu công việc hằng ngày của mình muộn nhất là 6 giờ 30. Họ phải lên quét tin dịch bài, chuẩn bị thông tin buổi sáng cho bạn đọc.

Thế nên, một tổng kết vui của năm đầu tiên TPO - Từ A đến Z, ở mục chữ cái K, có câu: “K - Kieuthu602003: Giờ này chưa có ai đến à, giải tán cái ban TPO này đi!”. Tiếp đó là cái dập cửa đánh… Sầm! Giờ nghĩ lại, thấy thương!

Đặc sản thời đó là niềm đam mê bóng đá của nhóm "trẻ trâu": Tuấn Đức, Xuân Cường, Káp Thành Long, Hữu Quang… Các trận đấu nửa đêm về sáng đều được nhóm này vừa xem vừa cập nhật lên báo. Sáng sớm, khoảng 7 giờ khi tôi đến thì nhóm này mới mắt nhắm mắt mở, lồm cồm bò dậy, gập chăn, cất chiếu.

Nhóm Phóng viên trẻ của TPO tham gia hỗ trợ bà con tại trận lũ lụt ở xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Tây năm 2008. Ảnh Phan Kiền

Một tháng chỉ 20 triệu đồng

Vâng, đó là 20 triệu đồng chi cho nhuận bút hằng tháng suốt một năm đầu vận hành của Tiền Phong điện tử. Tất nhiên, đó không phải là toàn bộ tiền đầu tư cho tờ báo mới. Cơ sở vật chất, điện, nước và lương, thưởng của nhóm phóng viên chính thức… là do tòa soạn chi trả.

Nếu duy trì tờ báo theo kiểu một phiên bản báo giấy trên Internet thì đó là điều bình thường, nhưng để phát triển một thương hiệu thì thật là khó khăn. Điều đó khiến Phó TBT Nguyễn Ngọc Nam trở thành một gã địa chủ thật bủn xỉn và keo kiệt.

Phép chia khi ấy là: 5 triệu đồng cho việc vận hành 5 câu lạc bộ; 50.000 đồng cho việc đưa một số báo giấy lên mạng, khoảng 2 - 3 triệu/đồng tháng. Còn lại mới là nhuận bút.

Để giữ quân và tạo điều kiện cho cộng tác viên có thu nhập, phần cực nhọc đẩy báo in lên mạng được dành phần nhiều cho nhân viên chính thức làm, các bài tự sản xuất có chất lượng đáng để tạo thương hiệu thì dành cho báo in. Phần nữa là các bài dịch giao phần lớn cho cộng tác viên đảm trách.

Biểu tượng nhận diện Bản tin Radio của Báo điện tử Tiền Phong ngày trước mang tên TIN 99 giây.

Viết tới đây nhớ tới Mai Cầm Thi - sau này là người của Vietnamnet. Cô bé xinh xẻo này được khoán cho mức 5.000 đồng/bài với việc hằng ngày phải dịch được 10 bài để có được 50.000 đồng. Tất nhiên, kèm theo là lời nhắn nhủ đầy cảm thông: Chỉ cần dịch lấy khoảng 500 chữ thôi! Cứ thế, con ong thợ chăm chỉ này cần mẫn đáp ứng một lượng bài không nhỏ trong một thời gian dài.

“Làm báo điện tử là chúng tôi phải tự xẻ thịt mình!”. Đó là câu trả lời phỏng vấn của Phó TBT Nguyễn Ngọc Nam được báo Nhà báo và Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam giật lên làm tít bài. Anh Ngọc Nam đã lý giải rất kỹ những ưu ái của báo mẹ Tiền Phong khi đầu tư cho tờ điện tử, nhưng đó cũng là những đồng tiền đầu tư ít ỏi của cả Tòa soạn cho tương lai.

P.V

Thứ nữa là việc dang rộng vòng tay với các bạn sinh viên thực tập và có những người đã rất nhiệt tình đóng góp cho báo như: Káp Thành Long, Tuấn Đức, Diệp Sa - sau này là phóng viên Zing News, rồi cán bộ truyền thông cứng cựa của Sun Group, Bách Hợp - sau này là phóng viên của Báo điện tử Tiền Phong…

Tất cả các phóng viên, cộng tác viên thời đó đều nhận được lời hứa chắc nịch: “Làm việc ở đây các em không được trả nhiều tiền, thậm chí, không có tiền. Đổi lại các em được dạy nghề, được học nghề, được hành nghề như một phóng viên thực thụ - nền móng cần thiết để các em có thể tiếp tục theo đuổi nghề báo”.

Thực thế, nhiều phóng viên, cộng tác viên đều còn nhớ phong cách làm việc say mê của Tiền phong điện tử; được đích thân Phó TBT sửa bài trực tiếp mà mọi người đều nhớ và gọi vui là “biên tập tay đôi”; được học cách làm báo điện tử từ bạn Dương Minh Việt một thời nổi tiếng cùng trang TintucVietnam, rồi tiếp tục thành công buổi ban đầu với Dân trí; được tham gia khóa đào tạo của Viện đào tạo nâng cao báo chí Thụy Điển (FOJO) dù chỉ là cộng tác viên...

Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông Phan Kiền - thành viên của TPO từ năm 2007

Sau này, đa phần họ đều đã trưởng thành và có vị trí trong làng báo. Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông Phan Kiền nhớ lại: “Anh Ngọc Nam, lúc ấy là Phó tổng biên tập phụ trách Online, thường tổ chức các buổi trao đổi chuyên môn vào cuối tuần hoặc đầu giờ sáng thứ Năm. Mỗi tuần một chuyên đề, các anh chị phóng viên luôn nhiệt tình chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với cánh “phóng viên mầm” chúng tôi. Nhiều kiến thức tôi đang giảng dạy cho sinh viên hiện nay chính là kiến thức học được từ thời làm việc ở TPO.

Thời gian thấm thoắt dẫn mỗi người tìm một nẻo phát triển cho riêng mình. Nhiều người rời Tiền Phong, trở thành phóng viên chủ chốt của các tờ báo lớn. Người ở lại thì cũng là lực lượng chính của Tiền Phong giấy. Mỗi dịp gặp, chúng tôi vẫn nhắc nhau về giai đoạn ban đầu của gia đình TPO ấy như một sự biết ơn. Bởi nó đã hun đúc nên bản lĩnh, kinh nghiệm của chúng tôi hiện nay”.

Phóng viên Lan Anh chụp ảnh lưu niệm với Giám đốc Marketing của Google tại Đức năm 2005

Định vị một cái tên

Lúc mới xuất hiện, không phải phóng viên, cộng tác viên của TPO phải cạnh tranh với các đồng nghiệp bên ngoài, thậm chí họ còn phải tự vượt lên chính đồng nghiệp trong tòa soạn để tìm một chỗ đứng.

Nhiều lúc các em buồn thiu tị nạnh: Giấy mời về Tòa soạn là được chia cho báo giấy phân công người đi. Bọn em làm gì có nguồn mà viết. Đành động viên nhau: Cứ làm tốt đi, rồi sẽ có ngày…!

Quả thực chỉ mấy tháng sau khi tôi vừa bước vào phòng thì ai đó hớn hở chạy đến khoe: Tiền Phong điện tử có giấy mời họp anh ạ! 20 năm đã trôi qua, tôi không còn nhớ đó là ai và giấy mời đi dự cuộc họp nào, nhưng vẫn nhớ như in cảm xúc và lời nói của mình khi đó: “Như vậy là bên cạnh tờ Tiền Phong, bên ngoài đã biết đến và coi chúng ta như một tờ báo độc lập - Tiền Phong Online! Chúng ta cố gắng lên!”.

Cũng sau đó, trong nhiều sự kiện, nhiều cuộc họp bên cạnh phóng viên Tiền Phong là phóng viên Tiền Phong Online. Rồi cũng từ đó có sự chuyển hướng trong chỉ đạo nội dung, thay đổi cách tác nghiệp bằng một khẩu lệnh ngắn, rõ: Tin cho điện tử, bài cho giấy!

Như vậy, một thương hiệu đã bước đầu được định vị trong tòa soạn, ngoài cơ quan! Phóng viên báo giấy- báo điện tử, phóng viên cộng tác viên hỗ trợ nhau, cùng bên nhau xây dựng một cái tên chung: Tiền Phong.

Nhà báo Trần Công Hùng - Tổng Thư ký tòa soạn Báo điện tử Tiền Phong hiện nay (người đứng phát biểu)

Điển hình cho việc này là Trần Công Hùng - phóng viên báo giấy đã cùng các phóng viên, cộng tác viên báo điện tử: Káp Thành Long, Xuân Cường, Hữu Quang, Phạm Tuyên phối hợp nhuần nhuyễn trong tường thuật trực tuyến vụ dùng súng bắt cóc con tin ở Hà Đông (Hà Nội).

Các game thủ bỏ chơi game, theo dõi diễn biến vụ giải cứu con tin ở Hà Đông ngày 11/5/2005 được tường thuật trực tiếp trên TPO.

Cuối năm đầu tiên Tuấn Đức và Xuân Cường đánh giá trong tổng kết vui TPO - Từ A tới Z, vần B: B - Bắt cóc con tin. Điểm sáng nhất về sự lựa chọn sự kiện đánh bóng hình ảnh TPO trong lòng bạn đọc. Hình ảnh càng rực rỡ hơn nếu kẻ bắt cóc là... chuyên nghiệp!!!!!

Phóng viên Hữu Quang thay mặt Báo Tiền Phong trao quà cho các chiến sĩ trực tiếp phá án. Trong ảnh: Ban Giám đốc Công an Hà Tây cùng Trung úy Đinh Trọng Tiến (người thứ hai từ trái sang) và phóng viên TPO.

Sau sự kiện này Tiền Phong điện tử phát triển mạnh mẽ hơn và một loại hình truyền tải nội dung khá mới mẻ và thu hút độc giả thời đó là Giao lưu trực tuyến được chú trọng.

Đây là cách sản xuất tin không bị ảnh hưởng tới Tiền Phong giấy và thậm chí còn làm phong phú hơn cho Tiền phong giấy vì sau khi giao lưu trực tuyến, Tiền Phong giấy có bài tổng hợp những câu hỏi hay nhất của bạn đọc.

Tổng biên tập Dương Xuân Nam tặng hoa HLV Riedl tại buổi giao lưu trực tuyến tại báo điện tử Tiền Phong năm 2007.

Anh em TPO còn nhớ mãi cuộc giao lưu với HLV A. Riedl - người nổi tiếng của bóng đá Việt Nam thời kỳ đó. Cuộc giao lưu thành công đến nỗi tiếp đó Hữu Quang “gạ” được vị HLV này có bài viết riêng cho Tiền Phong mỗi ngày tại World Cup 2006 tại Đức. Nhuận bút: 100 USD một bài.

Lúc này thấy cần phải có một logo cho báo điện tử tôi mới gợi ý và nhờ Tạ Thu Trang thể hiện mấy mẫu logo đầy tham vọng.

Ý tưởng tôi nói với Trang: Bây giờ chúng ta chỉ là một nhánh trong cái cây Tiền Phong, nhưng rồi đây chúng ta sẽ trở thành tâm điểm của Tiền Phong, là cột trụ chính của Tiền Phong trong tương lai. Em hãy vẽ cho anh hai chữ TP thật đậm đà, chắc khỏe. Tất cả Tiền Phong sau này đều sẽ xoay quanh Tiền Phong điện tử nên hãy thể hiện chữ O như một quỹ đạo với nét rời như thư pháp để có sự cân bằng, có dương là TP chắc khỏe, có âm là O mềm mại và tên miền gợi nhớ tienphong.vn.

Những ý tưởng này chính là mong muốn của Phó TBT Lương Ngọc Bộ nói với riêng tôi, là lời giao nhiệm vụ của Ban Biên tập Tiền Phong khi tôi may mắn được trở thành cán bộ ngang cấp với người thầy của mình và chính thức được giao trọng trách trực tiếp phụ trách Tiền Phong điện tử.

Logo TPO cách đây 20 năm

Và sau đó, TPO đã có biểu tượng mới. Thật vui khi hai chữ TP mạnh mẽ đó vẫn được sử dụng đến tận bây giờ và gắn với link như một biểu tượng của Tiền Phong điện tử, một dấu hiệu nhận biết đối với bạn đọc. (Mở ngoặc một chút: Cô họa sĩ Trang Sâu - thành viên cuối cùng của thế hệ F1 vẫn còn lại tại TPO).

Và thật vui hơn, Tiền Phong điện tử 20 năm sau - cuối năm 2024 - đã trở thành cột cái của tòa cao ốc Tiền Phong, dù hơi muộn màng. Ngày 9/1/2025, kỷ niệm 20 năm Tiền Phong điện tử ra đời, là dấu mốc của Tiền Phong bước vào kỷ nguyên mới.