TPHCM tổ chức nhiều hoạt động chào mừng 44 năm mang tên Bác Hồ kính yêu

Kỷ niệm 44 năm vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/7/1976 - 2/7/2020), UBND TPHCM tổ chức nhiều hoạt động VH-TT. Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra trong 6 ngày, kéo dài từ 27/6 đến ngày 2/7 tại phố Đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1- TPHCM).

Trong đó, triển lãm ảnh với chủ đề “Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh hơn 320 năm Văn hóa – Lịch sử”; cho thấy sự phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế và đô thị của thành phố từ những giai đoạn cuối thập niên 70, đến giai đoạn đổi mới và hiện nay với hình thức thiết kế lắp dựng tiểu cảnh, trưng bày, sắp đặt.

Trưng bày giới thiệu các ứng dụng công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào đời sống và sản xuất. Thực hiện các gian nhà văn hóa giới thiệu các hoạt động nghề truyền thống đặc trưng của thành phố: đan lát, tranh ghép gỗ, tranh gạo, tranh cát, hoa đất sét, mỹ nghệ dừa, các sản phẩm lưu niệm làm từ cây hoa sen sấy khô… và các hoạt động văn hóa dân gian như: thư pháp, tò he, xếp hình lá dừa… 

Chương trình Thi ảnh về gia đình chủ đề “Khoảnh khắc yêu thương”, “Sân chơi gia đình”, sân chơi vận động trường “Gia đình ta cùng vui”, sân chơi thiếu nhi “Sắc màu em yêu” trong thời gian diễn ra các hoạt động. Các hoạt động: rong diễn xiếc, ảo thuật, hòa tấu ghita, violin, trống, biểu diễn Vovinam, võ cổ truyền… tạo không khí sôi nổi trong thời gian tổ chức. Diễu hành xe hoa tuyên truyền kỷ niệm 44 năm Ngày Thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức, vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các quận – huyện và trên các tuyến đường trung tâm thành phố trong ngày 01 tháng 7 năm 2020.

Một trong những điểm nhấn của chuỗi hoạt động lần này là “Ngày hội Gia đình văn hóa – hạnh phúc”, chương trình nghệ thuật kỷ niệm 19 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2020), do Ban Tổ chức Kỷ niệm các ngày Lễ lớn TP.HCM tổ chức; Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố ( đơn vị nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố thực hiện). Chương trình được diễn ra vào lúc 19g00 ngày 28/6 tại Sân khấu chính đường đi bộ Nguyễn Huệ, nội dung nghệ thuật với 3 chủ đề chính gồm Cội nguồn và gia đình, Gia đình Việt Nam và Gia đình văn hóa - hạnh phúc.

Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 hằng năm là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa –hạnh phúc, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, là ngày để nhắc nhớ mọi người trong gia đình luôn phải quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có cha mẹ, vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.

Tham gia chương trình gồm những tiết mục biểu diễn thể hiện rõ thông điệp mà chương trình muốn gởi gắm. Những ca khúc quen thuộc như Nhật ký của mẹ, Con yêu của Ba, Lớn lên cùng Mẹ, Gia đình hạnh phúc, Nhà là nơi, Tình yêu là chuyện nhỏ, Nơi ấy con tìm về, Một ngày mới, Bay vào tương lai, Xe đạp ơi, Cả nhà thương nhau, Hát cùng thành phố mang tên Người,.. sẽ tạo nên một đêm nhạc thật ấm áp và xúc cảm. Biểu diễn trong chương trình gồm có ca sĩ Đan Trường, Hiền Thục, Trang Nhung, Châu Đăng Khoa, Trung Quang, Vy Oanh, Nguyễn Phi Hùng, nhóm Nhật Nguyệt, Mắt Ngọc, Nhóm 135, nghệ sỹ tranh cát Trí Đức … 

 

Ngoài chương trình nghệ thuật biểu diễn, Ngày gia đình còn có các hoạt động như Tuyên dương Gia đình truyền thống tiêu biểu ở các lĩnh vực và Gia đình văn hóa – hạnh phúc tiêu biểu năm 2020. Thực hiện các gian nhà tái hiện cuộc sống sinh hoạt gia đình theo từng giai đoạn trong suốt 44 năm qua; trưng bày giới thiệu các bộ trang phục áo dài gia đình truyền thống, hiện đại; biểu diễn các trang phục áo cưới Việt Nam tại khu vực sân khấu nhỏ. Thực hiện khu vực triển lãm về gia đình, chống bạo lực trong gia đình, hình ảnh sinh hoạt của gia đình xưa và nay.

Trong đó, ở chương 1 với chủ để “Có một thời như thế” vẽ nên một không gian hào hùng, linh thiêng với sự hi sinh quả cảm vì một mục tiêu chung là nền hòa bình của đất nước. Những giọng ca Cẩm Vân, Thanh Sử, Đào Mác, Hiền Thục, Thanh Nguyên, Dương Quốc Hưng, Liêu Hiền Trinh, Thùy Trinh, Phạm Trang, Duyên Huyền, Võ Hạ Trâm,… sẽ đưa khán giả về những ký ức được khắc họa rõ nét trong Dòng sông hát, Tiếng hát từ Thành phố mang tên Người, Một đời người một rừng cây, Tình ca tuổi trẻ, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ,… hay trích đoạn kịch ngắn “Hoa mướp vàng” của phần trình diễn của NSUT Hạnh Thúy, NS Hữu Nghĩa, Mai Dũng, Phi Nga,… Đúng như tên gọi của chương 2 “Thành phố đón bình minh” và “Khát vọng thành phố trẻ” của chương 3, khán giả sẽ thấy rõ nét một thành phố tiến lên trong thời kỳ đổi mới và phát triển vượt bậc không ngừng trong những năm qua. Phần trình diễn của các nghệ sĩ như nhóm MTV, NSUT Trọng Phúc, NSUT Ngọc Đợi, Thế Vỹ, Ái Phương, Trọng Hiếu, hay phần trình diễn của nhóm võ thuật vovinam, nhóm xiếc, thể dục đồng diễn .. sẽ mang đến một không gian nghệ thuật không chỉ là cảm xúc mà cả lòng tự hào vô bờ bến.

Ngày nay được sống, lao động, học tập trong môi trường hòa bình; được thừa hưởng truyền thống hào hùng – bất khuất của các thế hệ cha anh; những thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và công cuộc đổi mới đất nước; được cống hiến và trưởng thành trong sự phát triển vững chắc của kinh tế – xã hội đã trở thành hành trang giúp tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh vững bước tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.