Phương án độc đáo trên được ông Lê Quang Đạo, trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng TPHCM cho biết tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội và phòng chống dịch bệnh diễn ra chiều 2/6 tại Trung tâm Báo chí.
Theo ông Quang Đạo, tình trạng cây xanh ngã đổ trong mùa mưa bão là thực tế đang diễn ra gây thiệt hại cả về sức khỏe, sinh mạng và tài sản của người dân. Để hạn chế rủi ro trên, hàng năm thành phố đều xây dựng kế hoạch giảm thiểu tối đa tình trạng cây xanh ngã đổ.
Cụ thể, ngay từ đầu năm, trước khi vào mùa mưa, các đơn vị liên quan đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, phát hiện và đốn hạ đối với những cây xanh đã bị mục rỗng, nghiêng ngã đồng thời trồng thay thế những cây mới để đảm bảo mỹ quan và mảng xanh cho thành phố.
Hoạt động trên được tập trung vào các tuyến đường có cây ngã đổ cao, các tuyến đường có công trình thi công có thể tác động đến sinh trưởng của cây. Đặc biệt, các tuyến đường có cây cổ thụ kích thước lớn nguy cơ ngã đổ cao luôn được chú trọng kiểm tra.
Tuy nhiên, theo ông Quang Đạo việc kiểm tra bằng mắt thường, xử lý thủ công rất khó để phát hiện được tình trạng mục rỗng hoặc các vấn đề ảnh hưởng đến sinh trưởng khiến cây có nguy cơ ngã đổ khi gặp gió lớn. Hạn chế trên khiến các giải pháp ngăn chặn, xử lý nguy cơ không triệt để nên nguy cơ cây ngã đổ luôn tiềm ẩn.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Quang Đạo cho biết, Sở Xây dựng thành phố đang phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều phương án chăm sóc và xử lý tốt nhất cho hệ thống cây xanh đô thị. Theo đó, sắp tới thành phố sẽ thực hiện phương pháp siêu âm cho cây xanh để chẩn đoán sớm những vấn đề cây đang gặp phải và có phương án xử lý an toàn. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan sẽ nghiên cứu đưa vào trồng các chủng loại cây phù hợp với thiên nhiên, khí hậu của thành phố để hạn chế những loại cây không phù hợp trồng ở đô thị.