TPHCM lo ngập nặng khi bão Damrey đổ bộ

TPO - Dù bão ít có khả năng đổ bộ vào TPHCM nhưng hoàn lưu bão gây mưa lớn kết hợp với triều cường đạt đỉnh 1,68m nên thành phố có nguy cơ ngập nặng trong những ngày tới, nhất là khả năng hồ Dầu Tiếng phải xả lũ để đảm bảo an toàn.

Sáng 2/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn TPHCM (PCTT-TKCN) đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo các sở ban ngành và 24 quận huyện về các phương án phòng tránh, ứng phó cơn bão số 12.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Nguyễn Phước Trung, trên địa bàn TPHCM có tổng cộng 836 tàu thuyền hoạt động trên biển được kêu gọi quay về bờ tránh áp thấp nhiệt đới, bão. Đến nay, còn 9 chiếc ngoài khơi, đang di chuyển gần nhà giàn DK1, di chuyển về Bến Tre, đảo Thổ Chu (Kiên Giang) và Cần Giờ (TP.HCM)… để tránh bão.

Ông Trung cho hay đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục nắm số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển, số thuyền viên để thông tin về hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Tùy theo tình hình và diễn biến của cơn bão, TPHCM sẽ phát lệnh cấm ra biển trong giai đoạn nguy hiểm.

Về tình hình hồ chứa, đến 7h ngày 1/11, mực nước hồ Dầu Tiếng ở mức cao, đạt cao trình 23,66m nhưng đã ngưng xả về hạ du do đang có đợt triều cường lớn.

Ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 12 (tên quốc tế là Damrey).

Các dự báo trong và ngoài nước cho rằng xác suất bão vào Nam bộ là 70 – 80% với cường độ trung bình. Bão di chuyển nhanh (20km/h) nên sẽ vào bờ sớm, dự kiến là ngày 4/11. Khả năng ảnh hưởng các tỉnh Đông Nam bộ và TPHCM ở mức thấp nhưng không phải là không có.

“Từ ngày mai 3/11, vùng ven biển TPHCM và Vũng Tàu có gió mạnh 10m/s. Mưa to chủ yếu tập trung các tỉnh Nam Trung bộ. Tại Đông Nam bộ, trong đó có TP.HCM, mưa không nhiều. Tuy vậy, hệ thống sông Sài Gòn đang có đợt triều cường lớn, đỉnh triều cao nhất ngày 5/11 là 1,63m, ngày 6/11 là 1,67m và 1,68m nên TPHCM có khả năng ngập nặng do tổ hợp mưa lớn kết hợp triều cường”, ông Quyết nói.

Ông Trần Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết đã triển khai các phương án, trong đó sẵn sàng di dời dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân sống ven sông (dự kiến trên 6.000 người), chằng chống khoảng 710 căn nhà nếu bão vào TPHCM.

Huyện Cần Giờ đã tổ chức các điểm tập kết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, tuyên truyền vận động người dân chằng chống nhà cửa. Từ ngày 1/11, các lực lượng trên địa bàn huyện Cần Giờ  tham gia ứng trực tại chỗ và chuẩn bị sẵn sàng các phương án khi có chỉ đạo.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, việc phòng, chống, ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão lũ là công việc thường xuyên, không được chủ quan lơ là nhất là TPHCM vừa diễn tập về phòng, chống, ứng phó khi bão đổ bộ.

Ông Liêm yêu cầu các sở ban ngành liên quan và 24 quận, huyện chủ động phòng chống ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão đổ bộ vào đất liền và triều cường dâng cao. Các quận, huyện chủ động kiểm tra các vị trí xung yếu để có phương án di dời người dân theo phương châm 4 tại chỗ và 3 sẵn sàng, đồng thời, theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới và bão để tính toán phương án phòng, chống kịp thời.

2 áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão có thể đổ bộ vào TPHCM trong những ngày tới, buộc hồ Dầu Tiếng phải xả lũ ngay lúc đỉnh triều có thể gây ngập lụt tại TPHCM.