Sở Xây dựng TPHCM cho biết, đã trình UBND TPHCM về nội dung triển khai thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Theo đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TPHCM xem xét, chỉ đạo UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức và các Ban quản lý tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng.
Việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận huyện, TP.Thủ Đức và các Ban quản lý phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công, khởi công xây dựng công trình cho đến khi bàn giao đưa vào sử dụng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm.
Đối với công trình xây dựng sau khi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, các cơ quan đơn vị được phân cấp quản lý phối hợp với UBND cấp xã tổ chức kiểm tra, lập biên bản kết thúc kiểm tra xây dựng và chuyển UBND cấp xã để tiếp tục theo dõi, giám sát; trường hợp phát sinh vi phạm trật tự xây dựng, UBND cấp xã lập hồ sơ xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Riêng công trình xây dựng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thì Ban Quản lý Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý trật tự xây dựng trong phạm vi được phân công quản lý (kể cả công trình xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng).
Tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời đối với công trình có phát sinh vi phạm; không để phát sinh phức tạp về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, thực hiện nghiêm quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP và kế hoạch liên tịch giữa Sở Xây dựng và UBND quận huyện, TP. Thủ Đức về tăng cường công tác phối hợp tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Đồng thời, UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức và UBND cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cưỡng chế tất cả các công trình, hạng mục công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định và theo chỉ đạo của UBND TP về việc phân công nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
Chủ tịch UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TPHCM nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ, tồn đọng các quyết định xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành mà không được tổ chức thực hiện theo đúng quy định. Và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND TPHCM về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Theo Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM, trong năm 2020, lực lượng chức năng đã thực hiện hơn 87.000 lượt kiểm tra các công trình xây dựng. Qua đó, ghi nhận 1.006 vụ vi phạm, trong đó 408 trường hợp xây dựng sai phép, 336 vụ không phép, còn lại là trường hợp khác với tổng số tiền xử phạt hơn 11 tỷ đồng. So với năm 2019, năm 2020 giảm 1.907 trường hợp vi phạm, tức giảm hơn 65%.