TP Hồ Chí Minh không xem vũ trường, khách sạn là ngành nghề 'nhạy cảm'

TP - Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan bên lề hội thảo quốc tế “Phát triển dịch vụ của thành phố Hồ Chí Minh và định hướng quy hoạch, phát triển hạ tầng dịch vụ của thành phố giai đoạn 2020-2030” ngày 3/7.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Văn Hoan cho rằng các loại hình thương mại dịch vụ như vũ trường, khách sạn, nhà hàng karaoke, hớt tóc thanh nữ,… mà hơn 10 năm trước thành phố từng xem là các ngành nghề nhạy cảm và lập quy hoạch quản lý trên địa bàn mỗi quận - huyện thực tế chỉ là hạ tầng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và người dân.

“Kinh doanh các loại hình nói trên là hết sức bình thường. Có nhạy cảm hay không là hoạt động ngầm, bản chất bên trong của mỗi cơ sở”, ông Hoan nói.

Theo số liệu của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, TPHCM hiện có hơn 8.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội ký bản cam kết với UBND phường, xã, thị trấn về việc phòng, chống tệ nạn mại dâm, khiêu dâm, kích dục, trong đó hơn 4.500 cơ sở lưu trú; hơn 1.600 nhà hàng có tiếp viên nữ; 544 cơ sở karaoke, ghi âm trên nền nhạc, hát với nhau; 34 cơ sở vũ trường, bar, công ty giải trí biến tướng thành bar; 792 quán cà phê đèn mờ, cà phê DJ, cà phê giải khát có tiếp viên nữ; 480 cơ sở massage, spa, day ấn huyệt, xông hơi - xoa bóp; 700 cơ sở hớt tóc thanh nữ…