Khi bé đến tuổi ăn dặm, thường các mẹ quan tâm đến việc cho bé ăn thực phẩm gì cho nhiều chất, đủ dinh dưỡng mà quên mất việc lưu ý đến những đồ ăn không nên đưa cho bé ăn quá sớm. Với một số thực phẩm, nếu mẹ vội vàng cho con ăn dặm, bé có thể bị dị ứng, ngộ độc và gặp nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Dưới đây là những thực phẩm mẹ hết sức phải thận trọng:
Muối
Thận của trẻ nhỏ còn rất non nớt nên muối đi vào cơ thể bé có thể sẽ làm thận phải làm việc quá tải. Bé phải ăn đồ nhiều muối lúc còn nhỏ sẽ có thói quen ăn mặn khi lớn lên, dễ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch trong tương lai. Mẹ nên nhớ, không bao giờ được cho muối vào thức ăn dặm của trẻ, tránh các loại thức ăn chứa nhiều muối như xúc xích, thịt xông khói, ruốc mặn cho đến khi bé trên 12 tháng tuổi.
Thận của trẻ nhỏ còn rất non nớt nên muối đi vào cơ thể bé có thể sẽ làm thận phải làm việc quá tải. (Ảnh minh họa)
Đường
Để tránh nguy cơ bị sâu răng và gặp các vấn đề về răng miệng khác cho bé, tốt nhất mẹ không nên cho đường vào thức ăn dặm của trẻ dưới 1 tuổi. Mẹ cũng nên tránh cho bé ăn những đồ ăn nhiều đường như bánh bích quy, nước ép trái cây, kem. Ngoài ra, cho trẻ ăn đường dễ gây cảm giác ngang dạ, không thèm ăn khi ăn bữa chính.
Trứng
Để giảm thiểu nguy cơ bé bị dị ứng, mẹ đừng cho bé ăn trứng hoặc thực phẩm chứa trứng (như một số loại nước sốt và bánh kem) trước khi bé được 6 tháng tuổi. Khi bé đã được 6 tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu cho bé tập ăn trứng đã luộc chín nhưng không nên cho bé ăn trứng luộc lòng đào, trứng chần qua để tránh ngộ độc thực phẩm.
Các loại hạt
Các loại hạt ẩn chứa nguy cơ gây hóc, nghẹn hàng đầu, mẹ chỉ nên cho con ăn các loại hạt nguyên hoặc hạt đã nghiền khi bé bắt đầu được 5 tuổi trở lên. Kể cả khi bé không bị hóc, nghẹn, các loại hạt vẫn có tỉ lệ gây dị ứng rất cao ở trẻ nhỏ, đặc biệt đối với những trẻ xuất thân từ gia đình có người có tiền sử mắc dị ứng với hạt. Vì vậy, mẹ phải hết sức thận trọng và nhớ cho con tập ăn với liều lượng từng chút một khi con đủ tuổi ăn loại thực phẩm này. Nhiều trường hợp bé không dị ứng ngay trong lần đầu mà phải đến lần thứ hai mới mắc phải.
Thủy hải sản có vỏ
Các loại thủy hải sản như tôm, cua, ngao, sò, ốc,... là những thực phẩm dễ gây dị ứng và làm trẻ nhỏ đau bụng, mẹ chỉ nên bắt đầu cho bé tập ăn sau khi bé được tầm 9 tháng tuổi. Trước khi cho bé ăn, mẹ cũng nên tham khảo ý kiến chuyên gia và đặc biệt là cần tìm hiểu xem trong gia đình có ai bị dị ứng với hải sản hay không.
Sữa bò tươi
Sữa bò tươi không thích hợp làm đồ uống chính cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Sữa bò cũng không thể chứa hàm lượng vitamin và chất béo được như sữa công thức và sữa mẹ. Bạn có thể dùng sữa bò nguyên kem trong nấu nướng cho bé từ 6 tháng tuổi trở lên nhưng trẻ sẽ thích hương vị quen thuộc của sữa công thức hoặc sữa mẹ hơn.
Sữa bò cũng không thể chứa hàm lượng vitamin và chất béo được như sữa công thức và sữa mẹ. (Ảnh minh họa)
Hoa quả chua
Một số trẻ em dễ dị ứng với hoa quả chua như kiwi, dâu tây, cà chua, cam, chanh và tốt nhất là mẹ nên tránh những loại quả này trong những tuần lễ đầu tiên cho bé ăn dặm. Những loại quả lí tưởng, an toàn mà mẹ nên cho bé tập ăn dặm đầu tiên là những quả chín mềm, vị ngọt hấp dẫn như: chuối, xoài, bơ, táo,...