Tổng thống Vladimir Putin: Thương hiệu độc quyền

Mặc dù luôn có những quan điểm đối lập với phương Tây và khiến nền kinh tế Nga phải chịu thiệt hại, nhưng theo kết quả của các cuộc khảo sát gần đây, Tổng thống Vladimir Putin vẫn luôn phá kỉ lục về số lượng người ủng hộ. Các số liệu thống kê của tạp chí National Interest (Mỹ) cho thấy 89% người Nga hài lòng với những gì lãnh đạo cao nhất của xứ bạch dương đang thể hiện.

Số liệu này đã gây sốc cho các lãnh đạo phương Tây, những người phải chứng kiến sự sụt giảm tín nhiệm tại nước mình và thậm chí cáo buộc Điện Kremlin đã can thiệp vào kết quả điều tra. Tuy nhiên, National Interest vẫn tin tưởng vào kết quả này và cho rằng, người Nga ủng hộ lãnh đạo của họ do những chính sách thông minh của ông Putin, cùng phong cách lãnh đạo kết hợp giữa sự đơn giản và tinh thần võ thuật.

Câu nói “Không có Putin, không có nước Nga” có thể là một sự phóng đại, thế nhưng cách diễn đạt “điều mà Putin muốn cũng là điều mà nước Nga muốn” mô tả đúng những gì đang diễn ra ở Nga.

Người bảo vệ vĩ đại

Báo chí phương Tây xem việc xây dựng thương hiệu bản thân là cách để ông Putin củng cố niềm tin của người dân về mình. Tạp chí National Interest dẫn ra chi tiết ông Putin là “một người không bao giờ say rượu”, cho rằng nhờ chế độ ăn uống khoa học và siêng năng tập judo, ông có thân hình rắn chắc, dáng đi nhanh nhẹn, khác với người tiền nhiệm là cựu tổng thống Boris Yeltsin, một người mập mạp và thích uống rượu. Nhiều học giả nhận xét tất cả những việc làm nhỏ nhặt ấy nhằm mục đích để ông Putin hóa thân thành… một siêu nhân.

Hình ảnh “siêu nhân” là một trong những nguyên nhân quan trọng để ông Putin luôn nhận được sự ủng hộ của đa số người dân Nga kể từ lúc Nga bị Mỹ và phương Tây cấm vận. Người Nga có một niềm tin bất diệt, coi ông Putin là điểm tựa, nhớ ơn ông đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế, nên vị “siêu nhân” ấy vẫn sẽ là cứu tinh trong mọi hoàn cảnh. Ở khía cạnh lịch sử văn hóa, người dân Nga có truyền thống cá nhân hóa mọi thứ. Lẽ tự nhiên, lúc này họ cho rằng nước Nga là của ông Putin, một xu hướng đã tồn tại trong suy nghĩ, tâm lý quốc gia.

Trong suốt những năm tháng cầm quyền lãnh đạo xứ bạch dương, Tổng thống Putin luôn thể hiện cá tính rất riêng với những bí quyết thành công trở thành bài học cho bất cứ chính khách nào. Ông từng chia sẻ rằng: “Tội ác lớn nhất trong lịch sử chúng ta là việc những người nhu nhược đã ném quyền lực xuống sàn nhà như Sa hoàng Nicholas II và Mikhail Gorbachev. Họ đã để đám đông bạo lực quyết định quyền lực”. Và ông chủ Điện Kremlin thề sẽ không bao giờ mắc phải lỗi lầm trên.

Liên quan tới cách tiếp cận với những chính trị gia đối lập và phần tử chống đối, chính quyền của Tổng thống Putin đã tránh vấp phải sai lầm trong quá khứ là không cố không tạo ra những anh hùng. Nói cách khác, Chính phủ Nga không xử những thành phần đối kháng vì tội đối lập chính trị mà khép họ vào tội trộm cắp và gian lận. Bên cạnh đó, ông Putin còn tạo bước đột phá mở rộng không gian tự do “trong khuôn khổ” tham khảo tư liệu và tự do ngôn luận cho giới tri thức. Quan trọng hơn, những tri thức cảm thấy không hài lòng với cơ chế chính trị và kinh tế của Nga hiện thời có thể được tự do đi lại hoặc ra nước ngoài sinh sống. Đây cũng là cách giải tỏa căng thẳng cho hệ thống lãnh đạo Nga.

Trong lĩnh vực đối ngoại, Moscow đã đi theo con đường ủng hộ mạnh mẽ cho các quốc gia tỏ ra không bằng lòng với thể chế của phương Tây. Trong khi đó, giới truyền thông Nga đã tạo ra một bước biến chuyển lớn trong cách tiếp cận với công chúng quốc tế. Thay vì tôn vinh sự vĩ đại của nước Nga, họ lại tập trung vào mô tả những điểm xấu của phương Tây. Cách tiếp cận này được đánh giá là đơn giản hơn nhưng mang lại hiệu quả bất ngờ. Rõ ràng, dù chính quyền của Tổng thống Putin không phải đã đạt tới sự hoàn hảo trong mọi lĩnh vực nhưng ông đã thể hiện được khả năng điều hành tốt hơn các nhà lãnh đạo dưới thời Liên bang Xôviết.

Nhiều quan điểm cho rằng những khó khăn kinh tế mà Nga gặp phải dường như cũng không thể ảnh hưởng đến thái độ của người dân. 66% người dân Nga nhìn nhận sự trừng phạt của phương Tây như một biện pháp nhằm làm “suy yếu và bẽ mặt” Nga, vậy nên họ thậm chí còn coi ông Putin như một “người bảo vệ vĩ đại” và ủng hộ ông chống lại sự tấn công từ bên ngoài.

Những biện pháp cấm vận đã ảnh hưởng tới cả giới thượng lưu và những người dân bình thường của Nga, tuy nhiên, tất cả họ đều cho rằng, đây là sự tấn công nhằm vào chính họ hơn là vào chính quyền. Chính vì vậy, người dân Nga không kêu gọi những người lãnh đạo đất nước thay đổi quan điểm đối với tình hình Ukraine. Cho dù khi phương Tây thành công trong việc làm suy yếu nền kinh tế Nga, điều đó có khi còn tăng thêm sự tín nhiệm của người dân đối với ông Putin ở trong nước.

Tổng thống Putin sử dụng cái gọi là “triết lý judo” vào những nước đi chính trị cá nhân thông qua khả năng “dùng nhu thắng cương”, tận dụng chính thể hình và sức nặng của đối thủ để quật ngã đối thủ.

Vừa nhu vừa cương

Ba tuần trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đắc cử lần đầu tiên vào tháng 3/2000, ban vận động tranh cử của ông đã phát hành cuốn sách Nhân vật số một: Những cuộc trò chuyện với Vladimir Putin. Với cách trích dẫn “cuộc sống rất đơn giản”, cuốn sách bộc lộ một niềm tin chủ chốt, đóng vai trò nền tảng cho phong cách lãnh đạo của ông Putin: thế giới phức tạp này có thể và phải được làm cho đơn giản đi. Cho tới 15 năm sau, hệ tư tưởng, các chính sách và các hoạt động của Tổng thống Putin đều phản ánh nỗi ám ảnh với việc đơn giản hóa các hệ thống và cấu trúc nhà nước.

Chính quyền của ông nhận thấy còn nhiều thiết chế công thực hiện quá nhiều hoạt động mà không có sự giám sát đầy đủ. Do đó, các thiết chế này được cơ cấu để trở nên nhỏ gọn hơn và đảm trách các nhiệm vụ cụ thể theo một danh sách các ưu tiên chính sách ngắn gọn do trung ương soạn thảo. Sự đơn giản thậm chí được thể hiện rất rõ qua cách mà chính Điện Kremlin tạo nên những quy định “bất thành văn” về cách thức giao tiếp đối với các quan chức cấp cao.

Một trong những cụm từ mang tính “thương hiệu” của Tổng thống Vladimir Putin là “tôi nghe anh nói”. Nó có thể được sử dụng với bất cứ ai thân cận trong phủ Tổng thống. Những người ở Điện Kremlin đều hiểu rằng, “tôi nghe anh nói” có nghĩa là ý kiến đã được ghi nhớ và nếu may mắn thì yêu cầu đó sẽ được chấp nhận, hoặc là đề xuất đó được thông qua.

Với ông chủ Điện Kremlin, bên cạnh sự đơn giản, các vấn đề chính trị xã hội trên thế giới nên được nhìn nhận dưới dạng một trận đấu judo. Từ đó, Tổng thống Nga tận dụng điểm yếu và sự thiếu quyết đoán của đối thủ để giành chiến thắng. Võ thuật và chính trị là hai lĩnh vực tưởng chừng không hề có liên quan gì đến nhau. Nhưng đối với Tổng thống Vladimir Putin, chúng mang nhiều ý nghĩa hơn một phép ẩn dụ đơn thuần. Chính ông đã từng nói: “Judo dạy con người ta kiểm soát bản thân, cùng với đó là độ nhạy bén cần thiết để nhận ra ưu nhược điểm của đối thủ và tận dụng nó“. Quan trọng hơn, đây cũng là những kĩ năng thiết yếu cho bất kì chính trị gia nào.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc ông Putin sử dụng cái gọi là “triết lý judo” vào những nước đi chính trị cá nhân là hoàn toàn có cơ sở. Tinh hoa của môn judo nằm ở khả năng “dùng nhu thắng cương”, tận dụng chính thể hình và sức nặng của đối thủ để quật ngã đối thủ. Việc Crimea sáp nhập vào Nga cho thấy khả năng phát hiện và tận dụng điểm yếu của đối thủ đặc trưng trong môn judo. Khi đó, ông chủ Điện Kremlin nhận thấy bất ổn chính trị ở Ukraine và sự mất kiểm soát của chính quyền đối với quân đội nước này, và đã tận dụng tối đa điểm yếu đó để mở đường cho Crimea trở thành một phần của Nga.

Trên thực tế, những miếng đánh judo đã “ăn vào máu” nhà lãnh đạo Putin. Để đối phó với các thế lực mạnh như Mỹ, Trung Quốc hay EU, Tổng thống Nga luôn tìm cách bỏ ngoài tai những chỉ trích và thu mình lại, khiến đối phương mất nhiều sức và từ đó tìm ra điểm yếu để bật lại thay vì phải đối đầu trực tiếp. Và, từ trước đến nay, ông luôn xem những sự trừng phạt đến từ Mỹ hay EU lên kinh tế Nga như một cách để ông củng cố quyền lực.

Trong khi mối liên hệ giữa võ thuật và chính trị luôn được giới phân tích Nga sử dụng khi đánh giá các quyết định của ông Putin, các đồng nghiệp của họ ở phương Tây lại tỏ ra khá thờ ơ với cách giải thích này. Họ không quan tâm đến những thú vui võ thuật của ông chủ Điện Kremlin, mà chú ý nhiều hơn đến động cơ đằng sau những nước đi của vị Tổng thống Nga. 

Tuy vậy, rất có thể sẽ là sai lầm nếu phương Tây tiếp tục bỏ qua yếu tố võ thuật trong việc phân tích đường đi nước bước của ông Putin. Bởi vì, cùng với sự đơn giản, sở thích judo hay gu đọc sách chính trị của vị Tổng thống Nga là những điều rất quan trọng, cần được khai thác sâu để hiểu rõ hơn về nhà lãnh đạo tài năng này…

Theo Theo An Ninh Thế Giới Cuối Tháng