“Tất cả những khác biệt phải được giải quyết trên bàn đàm phán”, Tổng thống Putin nói với các nhà lãnh đạo châu Phi trong Hội nghị thượng đỉnh Nga - Châu Phi ở St. Petersburg hôm 28/7.
“Vấn đề là Ukraine từ chối nói chuyện với chúng tôi. Chính quyền Ukraine hiện tại đang từ chối đàm phán và đã thông báo chính thức về điều đó. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký một sắc lệnh liên quan vào mùa thu năm ngoái”, ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga cho rằng gốc rễ của cuộc xung đột giữa Mátxcơva và Kiev là "việc Mỹ và NATO tạo ra các mối đe dọa đối với an ninh Nga".
Tuy nhiên, Washington và các đồng minh “cũng từ chối đàm phán về vấn đề đảm bảo an ninh bình đẳng cho tất cả các bên, kể cả Nga”, ông nói thêm.
"Chúng tôi đã nói nhiều lần - và tôi đã tuyên bố chính thức - rằng chúng tôi sẵn sàng cho các cuộc đàm phán đó", ông Putin nhấn mạnh. “Chúng tôi không thể ép họ đàm phán.”
Ông Putin cũng khẳng định Mátxcơva “cám ơn những người bạn châu Phi” vì những nỗ lực của họ trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine.
Một phái đoàn gồm các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của châu Phi, bao gồm cả Tổng thống Nam Phi, Senegal và Zambia, đã đến thăm St. Petersburg và Kiev vào giữa tháng 6 để đề xuất sáng kiến hòa bình 10 điểm của họ với ông Putin và ông Zelensky.
Kế hoạch châu Phi kêu gọi đảm bảo an ninh và tự do vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen, trao đổi tù binh và nhanh chóng bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình.
Trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti hôm thứ Năm, Tổng thống Comoros - Azali Assoumani, người đang giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) và là thành viên của phái đoàn hòa bình, nói rằng ông và những người đồng cấp “chưa nhận được bất kỳ xác nhận thuyết phục nào về ý định của ông Zelensky trong việc đàm phán với Nga”.
Tháng trước, nhà lãnh đạo Ukraine đã nhắc lại lập trường rằng các cuộc đàm phán với Mátxcơva chỉ có thể bắt đầu sau khi các lực lượng Nga rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine theo biên giới năm 1991.
Nga coi các yêu cầu của ông Zelensky là phi thực tế, cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Kiev không sẵn sàng giải quyết xung đột thông qua các biện pháp ngoại giao. Theo Mátxcơva, điều này khiến Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục nỗ lực để đạt được các mục tiêu của mình ở Ukraine thông qua các biện pháp quân sự.