Ông Duterte đã rút ngắn chuyến thăm chính thức Nga và thiết lập thiết quân luật trên đảo Mindanao, sau khi xảy ra cuộc đụng độ giữa quân chính phủ và nhóm phiến quân Maute tại thành phố Marawi – miền Nam Philippines.
Trong cuộc phỏng vấn với trợ lý thư ký truyền thông trên chuyến bay trở về Manila, Tổng thống Duterte khẳng định, thiết lập thiết quân luật ở Mindanao “không khác gì” lệnh giới nghiêm được áp dụng dưới thời cựu Tổng thống Ferdinand Marcos.
“Nếu phải mất một năm để làm việc đó (chỉ thiết quân luật), chúng ta vẫn sẽ thực hiện điều đó. Nếu chỉ trong vòng một tháng, điều đó thật tốt. Những người dân của tôi, đừng quá sợ hãi. Tôi đang về nhà. Tôi sẽ giải quyết vấn đề khi tôi đến nơi”, ông Duterte, người gốc Mindanao, tuyên bố.
Ba người thiệt mạng, gồm 2 binh lính và một cảnh sát, và 12 người khác bị thương do hỗn loạn tại Marawi, thành phố chủ yếu theo Hồi giáo có khoảng 200.000 người sinh sống, sau khi nhóm chiến binh Maute kiểm soát các tòa nhà, đốt cháy trường học, nhà thờ và các trại giam.
Việc, ông Duterte tuyên bố thiết quân luật tại đảo Mindanao cho thấy thái độ cứng rắn trong cách đối phó với quân khủng bố.
Từ đầu những năm 1970, người dân Philippines từng trải qua hơn một thập chịu đựng lệnh giới nghiêm do cựu Tổng thống Ferdinand Marcos ban hành trong giai đoạn rối ren của đất nước.
Người phát ngôn quân đội Philippines, Edgar Arevalo, cho biết trên ANC: “Mục đích của các lực lượng an ninh, lực lượng vũ trang Philippines là kết thúc tình trạng bạo loạn nhanh chóng để chúng ta có thể khôi phục hòa bình tại các khu vực đó”.
Các nhóm chiến binh Maute và Abu Sayyaf ở Philippines cam kết trung thành với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ông Duterte từng nhiều lần cảnh báo, Mindanao có nguy cơ bị “ô nhiễm” bởi các phiến quân Hồi giáo bị đuổi khỏi Iraq và Syria.
Tuy vậy, Arevalo khẳng định, không có IS ở Philippines. “Các nhóm tự nhận là IS ở Philippines chỉ đơn thuần muốn thu hút sự chú ý từ IS mà đến bây giờ vẫn chưa đạt được. Đó là lý do tại sao họ tiếp tục các hành động tàn ác”, Arevalo nói.