Theo Tass, khoảng 40 trang sửa đổi và bổ sung đã được đưa vào sắc lệnh.
Trước đó, phiên bản đầu tiên của sắc lệnh đã được phê duyệt vào năm 2019. Sắc lệnh nêu các nguyên tắc cơ bản, mục tiêu và ưu tiên của việc phát triển và sử dụng AI, cũng như sự hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân sự và các vấn đề liên quan khác.
Một trong những nội dung bổ sung chỉ ra rằng "sự thay đổi trong tình hình kinh tế, các biện pháp hạn chế đơn phương do các quốc gia không thân thiện đưa ra và những thay đổi khác trên thị trường trong năm 2022 - 2023 đã xác định những thách thức mới đối với Nga".
Những thách thức này bao gồm thiếu năng lực xử lý dữ liệu, thiếu phát triển các giải pháp AI trong nước, thiếu nhân sự lành nghề và nghiên cứu đổi mới trong lĩnh vực AI.
Sắc lệnh cũng đề cập đến “quyết định hạn chế quyền truy cập công nghệ AI do cạnh tranh không lành mạnh từ phía các quốc gia không thân thiện” và “các rào cản quốc tế cản trở sự phát triển công nghệ AI ở Nga”.
Sắc lệnh ước tính rằng đến năm 2030, lĩnh vực vận hành và phát triển AI sẽ cung cấp tổng khối lượng dịch vụ hằng năm lên đến ít nhất 60 tỷ rúp, so với 12 tỷ rúp vào năm 2022.
Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ AI hằng năm sẽ tăng từ 3.000 người lên 15.500 người trong cùng thời kỳ.
Sắc lệnh nêu rõ: "Mức độ tin cậy của người dân đối với công nghệ AI sẽ tăng lên không dưới 80% vào năm 2030, so với 55% vào năm 2022”.